Hùng tráng những khúc ca khải hoàn

(PLVN) - Các tuyệt phẩm khải hoàn, bản tráng ca rộn ràng niềm vui mở hội mà người dân Việt Nam rất đỗi yêu thích được vang lên khắp các tỉnh, thành vào những dịp kỷ niệm các ngày chiến thắng oanh liệt, vĩ đại của dân tộc. Các chiến công thần kỳ của quân và dân ta khiến các nhạc sĩ tràn đầy niềm xúc cảm sáng tác những tuyệt phẩm bất hủ.
Chương trình Đất nước trọn niềm vui tại Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Hồng Nhung)

Những “tiếng reo vang” của dân tộc

Trong những ngày hân hoan của những chiến thắng oanh liệt, đã có hàng trăm ca khúc đã ra đời để chào mừng ngày vui của dân tộc, đất nước độc lập, non sông thu về một mối. Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên được người dân Việt Nam yêu mến với tiết tấu ngắn gọn và lời ca trong sáng như bầu trời ngày mùa xuân chiến thắng vang dài theo năm tháng, thành tiếng reo của cả dân tộc.

Đúng 17 giờ ngày 30/4/1975, sau bản tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp mọi miền Tổ quốc bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. “Không chỉ tôi mà mọi người có mặt trong phòng phát âm Đài Tiếng nói Việt Nam hôm đó đều sững sờ và òa lên khóc” - theo nhạc sĩ Cao Việt Bách, chưa từng có bài hát nào mà khi trình bày cả dàn nhạc hoà tấu và ca sĩ đều bật khóc vì xúc động sâu xa và hạnh phúc lớn lao như vậy. Nhạc sỹ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại: “Khi nghe bài hát thu thanh lại trên đài, tôi tưởng như nghe bài hát của ai chứ không phải của mình nữa. Mình chẳng qua chỉ là người chắp bút thôi. Lời ca, giai điệu đến rất tự nhiên. Chợt nghĩ, trong giờ phút lịch sử, nếu mình không viết thì nhất định người khác cũng sẽ viết những lời ca, giai điệu ấy”.

Giai điệu bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà như bay lên trong ngày vui của cả nước, tạo nên một bức tranh sống động và lung linh sắc màu khi Bắc Nam sum họp: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây”. Ý nhạc trong đoạn một đầy gợi mở và cũng khẳng định: “Ôi hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương”. Đó là điều ai cũng mong muốn khi non sông sạch bóng quân thù. Nét nhạc ấy như tô thêm lời nhắn nhủ cộng đồng hãy yêu thương nhau hơn. Những câu nhạc tiếp theo đã vượt qua nỗi xúc động trào dâng không hát được nên lời. Nhạc sĩ Hoàng Hà kể rằng: “Tôi viết “Đất nước trọn niềm vui” trong đúng một đêm (26/4/1975) tại căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, Hà Nội. Khi ấy, cảm xúc cao trào, bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!”. Nhạc sĩ Hoàng Hà viết ca khúc lịch sử này khi ông chưa đặt chân vào Sài Gòn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nhạc sĩ đã có mặt tại Sài Gòn trong những ngày đầu sôi động ấy. Nhưng nhạc sĩ Hoàng Hà chia sẻ, như lời bài ca “Ta muốn bay lên say ngắm sông núi bao la” khi ấy tôi ở Hà Nội và muốn được bay lên thực để vào ngay với miền Nam, để nhìn khắp núi sông trong niềm tự hào khôn tả.

Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

“Giải phóng Ðiện Biên” được nhạc sĩ Ðỗ Nhuận viết sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, thực dân Pháp đã giải giáp ra hàng. Khi trận chiến chưa kết thúc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có lần nói riêng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Đỗ Nhuận chuẩn bị sáng tác bài ca Chiến thắng Điện Biên đi!”. Chiều ngày 7/5/1954, tại chiến trường Điện Biên Phủ, quân ta vượt qua cầu Mường Thanh tiến công vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Pháp De Castries và cả bộ tham mưu của chúng. Gần một vạn quân địch kéo nhau ra hàng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay trong giờ phút hân hoan, phấn khởi tột cùng này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị cũng có mặt tại Mường Phăng, nơi đây có Chỉ huy sở mặt trận Điện Biên Phủ. Sau này, ông kể lại: Anh em văn công quân đội đang cuốc, rải đá làm đường, thì một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Tất cả mọi diễn viên trong đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy, không cần nhạc đệm. Còn Đỗ Nhuận cứ nhảy một mình, tít thò lò, trong đầu phảng phất câu: “Giải phóng Điện Biên…”.

Đêm hôm đó, Đỗ Nhuận ngồi sáng tác trên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm suốt sáng dưới ánh lửa nhà sàn. Sáng hôm sau, ca khúc “Giải phóng Điện Biên” hoàn thành. Ca khúc Giải phóng Ðiện Biên ra đời tự nhiên như nỗi đợi chờ khao khát, đến khi nghe tin chiến thắng thì từng giai điệu cứ tự nhiên vỡ òa ra không sao có thể kìm nén được. “Giải phóng Ðiện Biên/Bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui… Giờ chiến thắng ta đã về/ Vui mừng đón chúng ta tiến về/Núi sông bừng lên/Ðất nước ta sáng ngời/Cánh đồng Ðiện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời”. Bài hát được nhạc sĩ Đỗ Nhuận vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng, làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc Bộ. Bài hát có tiếng kèn thắng trận hùng tráng, nhịp điệu âm nhạc là nhịp chân của điệu múa xòe hoa, xen lẫn với nhịp bước hành quân…

Lời bài hát “Tiến về Hà Nội” y như hình ảnh Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. (Ảnh Tư liệu: TTXVN)

Các tuyệt phẩm dâng trào niềm tự hào dân tộc

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô bởi nó được sáng tác vào năm 1949, thời điểm trước 5 năm Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố...”. “Tiến về Hà Nội” là lời reo vui của ngày chiến thắng. Bài hát được viết theo thể loại hành khúc, đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế, nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, xôn xao, hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan.

Xuất xứ của ca khúc này từ cuộc họp chi bộ ở Liên khu 3, nhạc sĩ Văn Cao đã hứa với đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. “Đêm hôm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến về Hà Nội” đã đến với tôi “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về...”. Chỉ hai tuần lễ sau đó, tôi đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội”, khi ấy là mùa xuân 1949. Những dự cảm tuyệt vời của ông bắt nguồn từ tình yêu Hà Nội, nói lên khát vọng lớn nhất của người Hà Nội vào thời điểm ấy: Quét sạch quân thù, giải phóng Thủ đô.

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích bậc nhất, gần như trở thành “Quốc ca” cho ngày trọng đại Ngày Giải phóng Thủ đô này. Bản hùng ca với những ca từ hào hùng, lạc quan, đem đến cho người nghe sự hy vọng lớn lao. Những hình ảnh như “Trùng trùng quân đi như sóng”, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, “Cờ ngày nào tung bay trên phố”... trở thành ước nguyện của nhiều người. Đến ngày giải phóng Thủ đô, ca khúc “Tiến về Hà Nội” bỗng vang lên khắp nơi, trở thành “bài ca khải hoàn” của người Hà Nội. Đây là một trong những ca khúc xuất sắc của kho tàng âm nhạc nước nhà.

Cả đoàn người vang giai điệu “Tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô”. (Ảnh tư liệu)

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) là hầu như khắp nơi trên đất nước ta lại vang lên bài hát “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng - một bút danh khác của nhạc sỹ nổi tiếng Lưu Hữu Phước với những âm điệu cực kỳ hào sảng khiến lòng người vô cùng náo nức, phấn khích với những lời ca giàu sức biểu cảm: “Nơi thành đô trong ánh điện quang, tiếng nấc nghẹn câu cười/ Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày/ Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người/ Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!”.

Còn trong ca khúc “Giải phóng miền Nam” của nhạc sĩ Lê Hữu Phước thể hiện ý chí thống nhất đất nước, toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Ðảng, bài hát có câu: “Vai sánh vai, chung một bóng cờ”. Ðiệp khúc của bài hát là những câu đầy hình ảnh, phản ánh sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân miền Nam vào chiến thắng cuối cùng bằng câu: Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi, Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời... “Giải phóng Miền Nam” được chọn làm quốc ca của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Các tuyệt phẩm khải hoàn được thể hiện với nhiều hình thức, thể loại: đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca, hòa tấu, dàn nhạc hợp xướng, dàn nhạc hòa tấu… Sau hàng chục năm, các tuyệt phẩm khải hoàn vẫn luôn tràn sức sống. Các tuyệt phẩm mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng và hạnh phúc khó tả và càng thêm yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Đọc thêm