- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trả lời: Theo khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định “lao động nữ phải đóng đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi” thì được hưởng chế độ thai sản.
Theo khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a. Trường hợp sinh con hoặc nhận con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi
b. Trường hợp sinh con hoặc nhận con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con hoặc nhận con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì thực hiện theo quy định ở điểm a.
Mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật BHXH: “Mức hưởng 1 tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề”.
Tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH năm 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, nếu trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, bạn đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên thì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Thời gian chấm dứt Hợp đồng lao động sau khi bạn sinh con không ảnh hưởng đến chế độ thai sản.