Hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, cựu giám đốc CDC Hậu Giang và 2 thuộc cấp được miễn hình phạt

(PLVN) - Ngày 21/8, TAND tỉnh Hậu Giang áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, tuyên miễn hình phạt cho các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hậu Giang.

Các bị cáo trong vụ án gồm Nguyễn Văn Lành (nguyên Giám đốc CDC Hậu Giang), Hà Tấn Bình Đẳng (nguyên Trưởng Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng thuộc CDC Hậu Giang) và Huỳnh Thị Hồng Đoan (nguyên Trưởng Khoa Dược, Vật tư y tế thuộc CDC Hậu Giang).

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2 hồi tháng 6/2024, đại diện VKSND đề nghị mức án 3 năm tù, cho hưởng án treo đối với các bị cáo trên.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình và bày tỏ mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt. Nói lời sau cùng, các bị cáo đã gửi lời xin lỗi lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, vì hành vi phạm tội của các bị cáo đã làm ảnh hưởng đến uy tín địa phương và gây dư luận xấu trong nhân dân.

HĐXX đã áp dụng Điều 59 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tuyên miễn hình phạt cho các bị cáo Lành, Đẳng, Đoan.

HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước với số tiền là 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Đồng thời, các bị cáo mới phạm tội lần đầu, bản thân các bị cáo có nhiều đóng góp trong quá trình công tác và trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, cũng như có người thân là người có công với cách mạng.

HĐXX cho rằng các bị cáo đủ điều kiện được xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, theo quy định của pháp luật. Do đó, HĐXX đã xem xét áp dụng Điều 59 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tuyên miễn hình phạt cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, từ tháng 7/2020 - 12/2021, Lành đã liên hệ với Trần Tiến Lực - nhân viên bán hàng của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Việt Á) để trao đổi về việc mượn kít xét nghiệm dùng trước, rồi thanh toán tiền sau. Tiếp đó, Lành chỉ đạo Đẳng lập bảng dự trù vật tư, sinh phẩm hóa chất xét nghiệm, ghi rõ số lượng, chủng loại, mặt hàng do Việt Á sản xuất; còn Đoan thì được giao soạn thảo văn bản, thông qua Lực gửi đến Việt Á mượn hàng.

Sau đó, các bị cáo đã thông đồng với Việt Á để hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục cho Việt Á trúng thầu nhằm trả nợ theo đơn giá công ty Việt Á đưa ra. Kết quả, CDC tỉnh Hậu Giang đã thanh đã thanh toán, quyết toán cho công ty Việt Á sáu gói thầu với số tiền 5,1 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 3,2 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, Lành đã nhận 450 triệu đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á, Đẳng nhận 557 triệu đồng và Đoan nhận gần 86 triệu đồng. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra xác định, số tiền trên do Việt Á chi tự nguyện, không theo quy luật và không thỏa thuận trước, cũng như các bị cáo đã tự nguyện giao nộp lại toàn bộ số tiền.

Đọc thêm