Hướng dẫn giám sát, đánh giá đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy định về hình thức kiểm tra

Theo Thông tư, có hai cách thức theo dõi là theo dõi thường xuyên và theo dõi chuyên đề. Cụ thể, về theo dõi thường xuyên: cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đăng ký đầu tư phân công trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân trực thuộc có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, nắm tình hình về các tổ chức kinh tế, dự án (DA) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong phạm vi được phân công (gọi chung là người theo dõi). Người theo dõi thu thập các văn bản, tài liệu, thông tin, đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan để xem xét, phát hiện vấn đề. Trường hợp cần thiết, có thể đề nghị tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN, nhà đầu tư của DA có vốn ĐTNN cung cấp văn bản, tài liệu phục vụ việc theo dõi.

Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đăng ký đầu tư, người theo dõi báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi bằng văn bản về tình hình triển khai, hoạt động, các vướng mắc của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN, nhà đầu tư nước ngoài và DA có vốn ĐTNN thuộc địa bàn, lĩnh vực được phân công. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư thì báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi xem xét, quyết định. Người theo dõi đôn đốc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Người theo dõi lập và lưu trữ hồ sơ quản lý DA.

Về theo dõi chuyên đề, theo Thông tư, căn cứ nhu cầu quản lý nhà nước và thông qua công tác nắm tình hình, nghiên cứu báo cáo, tài liệu có liên quan, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi xây dựng chương trình, kế hoạch theo dõi đối với một số tổ chức kinh tế, DA có vốn ĐTNN thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý; thông báo cho tổ chức kinh tế, DA có vốn ĐTNN biết về nội dung, mốc thời điểm theo dõi, thời gian theo dõi. Cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi lập kế hoạch theo dõi cụ thể theo chuyên đề đối với các đối tượng trong kế hoạch; quyết định lập tổ giám sát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ giám sát; có văn bản đề nghị tổ chức kinh tế, DA được theo dõi chuẩn bị, gửi báo cáo và tài liệu phục vụ việc theo dõi.

Tổ giám sát yêu cầu tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN thực hiện DA tổ chức cuộc họp báo cáo; các thành viên dự họp trao đổi, thảo luận nội dung báo cáo và yêu cầu giải trình những vấn đề cần thiết. Tổ giám sát báo cáo bằng văn bản với cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi về kết quả theo dõi đối với tổ chức kinh tế, DA có vốn ĐTNN được theo dõi. Báo cáo gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này. Cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi xem xét, đánh giá báo cáo của tổ giám sát; thông báo bằng văn bản kết quả theo dõi cho tổ chức kinh tế, DA có vốn ĐTNN được theo dõi về ưu điểm, thiếu sót, khuyết điểm (nếu có) và những yêu cầu cần thiết. Cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi lưu kết quả của tổ giám sát vào hồ sơ quản lý DA.

Quy định về nội dung kiểm tra

Về nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế, DA có vốn ĐTNN, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra tiến độ góp vốn điều lệ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành, lĩnh vực có quy định vốn pháp định); tổng vốn đầu tư đã thực hiện và tỷ lệ so với tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiến độ triển khai DA; việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của DA; việc ứng dụng công nghệ đối với DA thuộc diện thẩm định, có ý kiến về công nghệ (công nghệ áp dụng so với công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến; việc thực hiện lắp đặt máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của DA đầu tư); chuyển giao công nghệ đối với DA có thực hiện chuyển giao công nghệ (đối tượng, nội dung, phương thức chuyển giao công nghệ, kết quả thực hiện chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận giữa các bên); việc thực hiện các cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư, điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi DA đi vào hoạt động.

Cùng với đó là việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động, quản lý ngoại hối, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và các quy định về pháp luật chuyên ngành khác; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN như: giá trị tài sản góp vốn của các bên (giá trị quyền sử dụng đất; giá trị tài sản máy móc, thiết bị; quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản khác theo quy định của pháp luật); việc sử dụng đúng mục đích của máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu; kiểm tra kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu tại thời điểm trước khi lên sàn chứng khoán trong một số trường hợp đặc biệt có dấu hiệu nâng khống giá trị doanh nghiệp; các giao dịch với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty có quan hệ liên kết; tình hình thực hiện các khoản nợ (vay ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay nợ khác)…

Đọc thêm