Hướng dẫn kiểm sát giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 18/4/2022, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành Hướng dẫn 25/HD-VKSTC về một số nội dung kiểm sát giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại "Tranh chấp hợp đồng tín dụng".
Đại diện Viện KSND tham gia phiên tòa xét xử một vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại tỉnh Kon Tum. (Ảnh minh họa)
Đại diện Viện KSND tham gia phiên tòa xét xử một vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại tỉnh Kon Tum. (Ảnh minh họa)

Theo Viện KSNDTC, những năm gần đây, vụ án kinh doanh, thương mại (viết tắt là KDTM) trong lĩnh vực “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” xảy ra ngày càng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong số các vụ án KDTM; với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp, giá trị tài sản tranh chấp lớn, gây nhiều khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến sự an toàn của hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vi phạm, thiếu sót của Tòa án cấp dưới trong quá trình giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng, thể hiện qua số bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy, sửa chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu vụ án KDTM bị hủy, sửa. Tình trạng trên, có trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát đã không kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị.

Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án KDTM về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, Viện KSNDTC đã chỉ ra một số vi phạm phổ biến và lưu ý khi tiến hành kiểm sát việc giải quyết vụ án KDTM về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng", đơn cử như:

Tranh chấp HĐTD sẽ được giải quyết thành 02 phần nên chỉ giải quyết sai phần nào thì chỉ tuyên hủy án một phần bản án, quyết định, không hủy toàn bộ bản án, quyết định; Không bỏ sót đương sự là vợ hoặc chồng trong trường hợp tài sản thế chấp đứng tên một người trong thời kỳ hôn nhân; Xem xét những quy định liên quan đến nguồn gốc hình thành tài sản, tài sản nhận chuyển nhượng hay tặng cho, được thừa kế;

Phải xem xét đưa chồng hoặc vợ (người không đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tham gia vào tố tụng để không bỏ sót đương sự; Xác định rõ tư cách đương sự đối với trường hợp là doanh nghiệp tư nhân. Đối với doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể Tòa án đình chỉ giải quyết là không đúng mà phải xác định cá nhân, tổ chức là thành viên của họ tham gia tố tụng để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung; Tòa thụ lý giải quyết án về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" theo quy định chung về thời hiệu khởi kiện khoản 2 Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015;

Trường hợp Tòa án không tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ vì cho rằng không có ai yêu cầu, hoặc trường hợp khi vụ án bị hủy để xét xử lại Tòa án cho rằng giai đoạn xét xử trước đây đã xem xét thẩm định tại chỗ, thì KSV cần yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định lại tài sản, vì qua thời gian, tài sản có thể có những biến động, như có sự thay đổi về tài sản trên đất, người quản lý tài sản;

Trong vụ án về tín dụng có dấu hiệu hình sự như giả mạo giấy tờ, thế chấp nhiều nơi, cho vay không đúng qui trình... việc xử lý bằng thủ tục tố tụng dân sự là không bảo đảm, không đúng bản chất và áp dụng không đúng pháp luật, nên cần phải kiên quyết yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo đúng quy định.

Đọc thêm