Gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nạn nhân bị thương nặng hoặc tử vong tại chỗ. Theo Công an TP Hà Nội, việc xử trí ban đầu khi bị phát hiện tai nạn giao thông đặc biệt quan trọng. Trong nhiều trường hợp, nếu được sơ cứu đúng cách và chuyển đến bệnh viện kịp thời, nạn nhân vẫn có thể bảo toàn được mạng sống.
Do đó, Công an TP Hà Nội khuyến cáo, khi đứng trước một vụ tai nạn giao thông, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng gọi số 114 cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; gọi khẩn cấp y tế theo số 115; gọi số 113 cho lực lượng Cảnh sát giao thông tới hiện trường xử lý, giải quyết vụ việc.
Người phát hiện tai nạn hãy cố gắng hô hoán những người tham gia giao thông khác dừng lại cùng hỗ trợ khi có khả năng sơ cứu. Nếu không đủ khả năng xử lý tình huống thì đừng tác động vào nạn nhân, đợi lực lượng chức năng đến giải quyết".
Cụ thể, Công an TP Hà Nội hướng dẫn các bước xử trí ban đầu:
Người dân cần xem xét, đánh giá hiện trường: Nếu hiện trường còn yếu tố nguy hiểm (nguy cơ cháy, nổ…) hãy di chuyển nạn nhân ra vùng an toàn để tránh gây thêm thương tích cho nạn nhân và bảo đảm an toàn cho người cấp cứu. Trường hợp không thể đưa được nạn nhân ra khỏi khu vực tai nạn do quá nguy hiểm cho nạn nhân hoặc bản thân không đủ khả năng thì phải gọi ngay thêm người xung quanh đến ứng cứu;
Nếu hiện trường không có nguy cơ gây thêm tai nạn thì không di chuyển nạn nhân khi chưa tiến hành sơ cứu;
Trường hợp bắt buộc phải di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường, cần tránh các động tác làm xoắn vặn, gập cổ, gập người. Tốt nhất là có nhiều người hỗ trợ để giữ thẳng lưng, cổ trong quá trình di chuyển. Nếu nạn nhân có gãy xương chi gây biến dạng gập góc, cố gắng giữ nguyên tư thế biến dạng khi di chuyển. Khi di chuyển, nếu địa hình cho phép (nền đất phẳng, bãi cỏ…) thì nên di chuyển nạn nhân di chuyển đến nơi an toàn.
Phương pháp di chuyển người bị nạn, di chuyển bằng tay không
Hãy khoanh vùng hiện trường: Sau khi xác định hiện trường tai nạn cần khẩn trương khoanh vùng hiện trường để báo hiệu cho các phương tiện tham gia giao thông khác xác định được vị trí xảy ra tai nạn, sự cố (khoảng cách tối thiểu 30m) bằng cách sử dụng phương tiện giao thông của bạn và bật đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc sử dụng các vật có tính chất phản quang, dễ nhận biết để cảnh báo nguy hiểm.
Thiết bị phản quang cảnh báo nguy hiểm, đèn cảnh bảo nguy hiểm
Hãy tiếp cận, đánh giá nạn nhân: Sau khi khoang vùng hiện trường, bảo đảm khoảng cách an toàn, tiến hành tiếp cận nạn nhân, gọi, hỏi nạn nhân, kiểm tra nạn nhân còn tỉnh hay đã ngất;
Trong trường hợp nạn nhân còn tỉnh, tiến hành kiểm tra từng bộ phận cơ thể đồng thời gọi, hỏi xác định vị trí chấn thương của nạn nhân; kiểm tra xem có chảy máu động mạch hay không, kiểm tra xương sống, cổ nạn nhân và đồng thời băng bó, cố định xương, giữ nguyên hiện trường, tạo không khí thoáng cho nạn nhân, mở tấm kính bảo hiểm che mặt (nếu có) để nạn nhân cảm thấy bớt ngột ngạt và thở tốt hơn; giữ yên đầu, nói chuyện với nạn nhân một cách bình tĩnh, giúp nạn nhân tỉnh táo, thư giãn trong tình huống căng thẳng và giữ nạn nhân trong tư thế nằm yên để có thể liên tục đánh giá tình hình cho đến khi xe cứu thương đến;
Tư thế nằm nghiêng
Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra nạn nhân còn thở hay ngừng thở bằng cách nhìn vào ngực nạn nhân hoặc để tay đặt lên phía trên ngực và áp tai vào lồng ngực nạn nhân để xác định. Nếu còn thở, đưa nạn nhân về tư thế nằm nghiêng hoặc nằm ngửa an toàn và đợi lực lượng cứu thương đến, đồng thời nới lỏng và cởi bỏ quần áo, các dây nịt (như thắt lưng, vòng cổ…). Tất cả các thao tác cần được thực hiện nhanh chóng và khẩn trương vì đối với nạn nhân mỗi phút giây đều rất quý;
Trường hợp nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, kiểm tra mạch nạn nhân bằng cách đặt 2 đầu ngón tay sát giữa cằm và cổ về 2 phía bên trái hoặc phải; hoặc đặt vào cổ tay nạn nhân để kiểm tra mạch. Nếu không bắt được mạch, tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.
Hãy hô hấp nhân tạo cho nạn nhân:Trước khi hồi sức tim, phổi, người dân cần đánh giá tình hình nạn nhân. Nếu nạn nhân có 1 trong 3 dấu hiệu: bất tỉnh; ngưng thở hoặc thở ngáp; mạch bẹn hoặc mạch cảnh không bắt được, cần gọi cấp cứu trước khi hồi sinh tim phổi. Nếu nạn nhân là trẻ 1 - 8 tuổi, nên tiến hành hồi sức tim phổi trong 2 phút trước khi gọi cấp cứu.
Làm thông đường thở theo các bước: Loại bỏ hết dị vật trong khoang miệng; lau các vết máu nhẹ nhàng cho nạn nhân;
Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng vững chắc;
Quỳ xuống cạnh cổ và vai nạn nhân;
Đặt lòng bàn tay lên trán nạn nhân, một tay giữ đầu và dùng tay kia đẩy nhẹ cằm ra trước để mở thông đường thở;
Kiểm tra nhịp thở bình thường: Tìm cử động của ngực, nghe tiếng thở, cảm nhận hơi thở của nạn nhân bằng cách áp má hoặc tai vào mũi, miệng của họ. Khi thực hiện kiểm tra nhịp thở, cần tiến hành nhanh, không quá 10 giây. Nếu nạn nhân không thở được bình thường, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt.
Nhấn ép tim ngoài lồng ngực để phục hồi tuần hoàn máu: Đặt gốc cổ tay lên giữa ngực nạn nhân, giữa các xương sườn, đặt tay kia lên trên tay này. Người sơ cứu cần giữ cánh tay thẳng vuông góc với thân nạn nhân, tư thế bả vai thẳng góc với bàn tay;
Dùng sức nặng của thân trên, ấn thẳng lồng ngực của nạn nhân xuống sâu ít nhất 5cm, ấn mạnh và nhanh với tần suất tối thiểu 100 lần/phút;
Sau khi ấn 30 cái, đẩy đầu nạn nhân ngửa ra sau, nâng cằm lên để mở đường thở, chuẩn bị hà hơi thổi ngạt. Thực hiện kẹp chặt mũi, thổi vào miệng nạn nhân trong 1 giây. Nếu lồng ngực nạn nhân phồng lên, thực hiện thổi ngạt hơi thứ 2. Nếu lồng ngực nạn nhân không phồng lên, đẩy cằm nạn nhân ngửa lại và thổi ngạt lần thứ 2. Đây được tính là 1 chu kỳ. Nếu có thêm người, phân công người đó thổi ngạt 2 lần sau khi đã ấn ngực 30 cái.
Thổi ngạt để phục hồi hô hấp cho nạn nhân: Hà hơi thổi ngạt có thể thực hiện theo kiểu miệng - miệng hoặc miệng - mũi, nếu miệng của nạn nhân bị tổn thương nặng hoặc không thể mở được. Khi đường thở đã thông, kẹp chặt mũi nạn nhân để hà hơi thổi ngạt miệng - miệng;
Tiếp tục nhấn ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi nạn nhân tỉnh lại.
Các bước hô hấp nhân tạo cơ bản
Sau khi hô hấp nhân tạo, nạn nhân tỉnh trở lại, tiến hành giữ ấm cho nạn, đưa nạn nhân về tư thế nằm an toàn và đợi xe cứu thương có mặt tại hiện trường;
Thực hiện hô hấp nhân tạo cho nạn nhân còn giúp kéo dài sự sống cho nạn nhân và điều quan trọng là phải nhận thức được tầm quan trọng của việc sơ cấp cứu ban đầu và tìm kiếm trợ giúp nếu cần.
Lưu ý trong sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông
1. Phải sử dụng găng tay sơ cứu để tránh làm vết thương nhiễm trùng (nếu có), và tránh lây bệnh truyền nhiễm cho mình nếu nạn nhân là người có nhiễm bệnh, lau vết máu, khai thông đường thở trước khi tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.
2. Không lấy bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ, nếu bị vật nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều có thể bị tử vong.
3. Không đưa bất cứ một vật lạ nào, nước vào miệng người bị nạn, có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.
4. Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn vì rất có thể gây tổn thương cột sống cổ, thay vào đó nên để nạn nhân nằm ở tư thế đầu thấp hơn chân.
5. Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường (nếu hiện trường vụ tai nạn đảm bảo an toàn) khi chưa thực hiện các sơ cứu cần thiết. Tuy nhiên cũng cần nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế để có thể cứu chữa kịp thời.
6. Không nên di chuyển nạn nhân bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do quá trình vận chuyển nạn nhân đi bị xóc dẫn đến nạn nhân bị liệt và tử vong trước khi vào viện.