Hướng tới Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử

(PLO) - Là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đánh giá năm 2015, công tác này nói chung và kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng đã tạo được chuyển biến rõ nét. 
Người dân tra cứu thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng
Các bộ, ngành tiếp tục đơn giảm thêm 88 thủ tục hành chính (TTHC), nâng tổng số TTHC đã hoàn thành việc thực thi lên 4.471/4.723 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt (đạt 94,66%), cơ bản hoàn thành mục tiêu của Đề án 30. 
Cơ bản hoàn thành mục tiêu của Đề án 30
Kết quả cải cách hành chính (CCHC) năm 2015 được thể hiện qua “cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì, mở rộng, nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính được triển khai đồng bộ từ TƯ đến địa phương, từng bước phấn đấu theo hướng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử” – Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết.
Các bộ, ngành có liên quan đã rà soát, có phương án cắt giảm đối với 13 nhóm quy định, TTHC trọng tâm; 19/24 bộ, ngành đã phê duyệt danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý; hầu hết các địa phương, bộ, ngành đã ban hành quyết định công bố Bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý và tiến hành cập nhật TTHC được chuẩn hóa vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. 
Trong năm 2015, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch 05/2015 hướng dẫn thực hiện liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ  BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền.
Bộ Tư pháp cũng nhận thấy, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện có kết quả việc đánh giá tác động TTHC quy định tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), việc công khai TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính nhưng năm 2015, trong số 372 TTHC tại 71 dự thảo VBQPPL được Bộ Tư pháp thẩm định, có tới 68 TTHC cần xem xét về sự cần thiết, 280 TTHC cần xem xét về tính hợp lý (chiếm 93,5% số TTHC quy định tại Dự thảo). 
Nhưng thực tiễn vẫn còn tình trạng công Bố TTHC chậm, niêm yết chưa đầy đủ, kịp thời, trong giải quyết TTHC còn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực… Nguyên nhân được Bộ Tư pháp xác định là do nhận thức của một số cán bộ, công chức chưa sâu sắc, chưa có cơ chế hiệu quả cho việc kiểm soát quy định TTHC và quá trình thực thi. Nguồn lực triển khai công tác cải cách TTHC còn hạn chế, chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm đúng mức.
Ưu tiên đơn giản hóa các thủ tục hành chính phục vụ hội  nhập
Năm 2015, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc đánh giá chỉ số CCHC của các bộ, ngành đã tạo thành một phong trào thi đua, tiết kiệm thời gian, công sức, nhất là cải cách TTHC góp phần tạo môi trường kinh doanh ở Việt Nam, giảm chi phí, tăng cơ hội hội nhập; đồng thời cơ bản đạt được mục tiêu của Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015.
Để hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong năm 2016, Bộ Tư pháp cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức triển khai nghiêm túc Luật Ban hành VBQPPL và các nhiệm vụ cải cách TTHC, trong đó chú trọng trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC. 
Đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC trên tất cả các lĩnh vực, ưu tiên các TTHC phục vụ hội  nhập, góp phần giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng  lực cạnh tranh quốc gia…
Do đó, một trong các nhiệm vụ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho ngành nội vụ nhân Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 là tham mưu xây dựng Chính  phủ điện tử để có “nền hành chính dân chủ, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt từ TƯ đến địa phương” cũng như quyết liệt cải cách chế độ công vụ, công chức. 
Giai đoạn 2011-2015, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành trên 11.700 văn bản chỉ đạo, điều hành góp phần đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. 
Đến nay cả nước đã có 10.958/11.164 (đạt tỷ lệ 98,15%) số đơn vị hành chính cấp xã, 704/713 (đạt tỷ lệ 98,7%) số đơn vị hành chính cấp huyện và 1.114/1.204 (đạt tỷ lệ 92,5%) số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; có 343/713 (đạt tỷ lệ 48,1%) số quận, huyện, thị xã, thành phố tại các tỉnh, TP trực thuộc TƯ đã triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại cấp huyện. 
Các cơ quan ngành dọc tại địa phương như: công an, thuế, kho bạc, hải quan, tài nguyên và môi trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... cũng tích cực triển khai cơ chế một cửa và thực hiện liên thông một số thủ tục hành chính với các cơ quan hành chính của địa phương. 
Đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN đối với một số lĩnh vực. Đã đơn giản hóa 4.452 thủ tục hành chính trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính tại 25 nghị quyết của Chính phủ, đạt tỷ lệ 94,3%.

Đọc thêm