Hướng tới quản lý sức khỏe nhân dân trên môi trường số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là mục tiêu chương trình “Bác sĩ cho mọi nhà” hướng tới. Được triển khai từ năm 2020, chương trình đã đạt một số kết quả ấn tượng.
Bác sĩ tư vấn khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Bác sĩ tư vấn khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngày 20/7, Hội thảo “Kết quả triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”” do Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

“Bác sĩ cho mọi nhà” là cầu nối cán bộ y tế tại trạm y tế xã với các đơn vị y tế tại tuyến huyện và các tuyến trên, giúp công tác tư vấn, hướng dẫn điều trị hiệu quả. Chương trình có tính năng cuộc gọi truyền hình, hỗ trợ thực hiện các cuộc họp giao ban hoặc sinh hoạt chuyên môn. Phần mềm còn có ứng dụng điện thoại thông minh thân thiện với người dùng, trao quyền cho người dân trong cộng đồng địa phương, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và người khuyết tật, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Chương trình “Bác sĩ cho mọi nhà” được triển khai từ năm 2020. Quá trình thực hiện đến nay đã qua hai giai đoạn: phát triển phần mềm và thử nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn từ năm 2021 đến năm 2022. Dựa trên những kết quả tích cực và bài học từ giai đoạn ban đầu này, giai đoạn 2 thực hiện tại 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau đã được khởi động từ tháng 11/2022, thực hiện đến hết tháng 6/2023.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UNDP để huy động nguồn lực thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế, hoàn thành các chỉ tiêu về chương trình nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, hướng tới việc quản lý sức khỏe nhân dân trên môi trường số và tiếp tục ưu tiên các hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết, UNDP đặt ưu tiên cao trong việc hỗ trợ lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm cả chuyển đổi kỹ thuật số về y tế.

“Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là hỗ trợ phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa tuyến y tế cơ sở trên toàn quốc, nơi mà những nhân viên y tế cơ sở được hỗ trợ bằng những hướng dẫn sẵn có và bệnh nhân nhận được chăm sóc chất lượng cao đúng thời gian”, bà Ramla Khalidi nói.

Cũng theo bà, UNDP đang làm việc với Bộ Y tế, các tỉnh và các đối tác khác tại Việt Nam để huy động thêm các nguồn lực nhằm hỗ trợ mở rộng ra nhiều tỉnh hơn và tiếp tục xây dựng khung pháp lý, chính sách cho chương trình khám, chữa bệnh từ xa.

Từ tháng 11/2022, phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” đã được cài đặt và triển khai tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tại 5 tỉnh, tất cả đều được kết nối thông suốt với Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. Chương trình cũng đã thiết lập các phòng chức năng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại 75 trạm y tế xã có nguy cơ cao, thông qua việc trang bị 75 bộ máy tính để bàn, webcam microphone và loa ngoài với chất lượng tốt để bảo đảm dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả.

Chương trình đã mở 32 lớp tập huấn phần mềm cho 5 tỉnh ở giai đoạn 2 và 6 lớp tập huấn lại cho 3 tỉnh cũ. Tổng đã có 2.927 cán bộ của 8 tỉnh được tham gia tập huấn, đại đa số cán bộ tham gia là cán bộ chuyên môn kỹ thuật (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng,…). Trong đó, 75% người học đánh giá là phù hợp với tài liệu, phương pháp, nội dung tập huấn và trên 90% cán bộ y tế tự tin sử dụng phần mềm cuối khoá học.

Chương trình cũng đạt được những kết quả ấn tượng từ người dân trong cộng đồng, hơn 755.000 tài khoản đã được tạo ra cho người dân, hơn 15.000 người dân đã tham gia đặt hẹn thông qua hệ thống. Gần 28.000 cuộc hẹn đã được thực hiện, trong đó 24.000 cuộc hẹn đã hoàn thành khám, chữa bệnh tính tới tháng 6/2023.