Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư: Bảo đảm thực thi quyền con người

(PLVN) - Việt Nam đang xây dựng các nền tảng cơ bản, từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội và mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa xã hội hiểu một cách đơn giản theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là nước được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; đó chính là mục tiêu theo cách diễn đạt dễ hiểu của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.
Bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển . (Ảnh minh họa)
Bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển . (Ảnh minh họa)

Như vậy, chủ nghĩa xã hội (CNXH) chính là mục tiêu, khát vọng hiện thực hóa quyền con người, mà quyền con người là giá trị chung của nhân loại, là thành quả đấu tranh của nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là vấn đề thuộc bản chất của chế độ XHCN, ngọn cờ của những người cộng sản. Lịch sử loài người đã chứng minh rằng, toàn bộ các cuộc đấu tranh chống bất công, chống áp bức, bóc lột, chống đô hộ, suy cho cùng là lịch sử đấu tranh giải phóng con người, vì quyền con người.

Đối với nước ta từ cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đến công cuộc đổi mới ngày nay, đường lối nhất quán của Đảng là chăm lo cho con người, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, coi đó là vừa mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đó cũng là đặc trưng, nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN; là yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Vậy vấn đề đặt ra là, trong quá trình tiến lên CNXH, quyền con người phải được tôn trọng, bảo vệ và hiện thực hóa như thế nào? Hay nói cách khác quyền con người được bảo đảm như thế nào dưới CNXH. Đây là vấn đề lớn về cả lý luận và thực tiễn.

PGS.TS Tường Duy Kiên

PGS.TS Tường Duy Kiên

Mới đây, trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định và làm rõ hơn về một xã hội, XHCN mà nhân dân ta đang theo đuổi xây dựng đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; con người có

cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Xã hội trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”. Như vậy, mục tiêu, khát vọng xây dựng một xã hội vì tự do, vì quyền con người được tôn trọng, bảo đảm thực hiện chỉ có thể dưới CNXH. Do đó, bảo đảm quyền con người được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, con đường đúng đắn hiện nay là đi lên CNXH.

Để từng bước thực hiện khát vọng đó, Đại hội XIII của Đảng ta xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới… mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Cần quán triệt và thực hiện thật tốt quan điểm này trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước; đòi hỏi các chương trình, chính sách phát triển, đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể hưởng quyền, đó là người dân/nhân dân. Lấy quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể hưởng quyền là cơ sở xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 đang đòi hỏi hơn bao giờ hết nâng cao hiệu quả bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, trong đó yêu cầu Quốc hội với vai trò là cơ quan lập pháp, có nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quyền con người thành các quy định của pháp luật; tiếp tục ưu tiên xây dựng các đạo luật về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý để tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cần xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Đối với cơ quan tư pháp yêu cầu đặt ra là hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không được làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên…

Cùng với yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong các thiết chế nhà nước và phi nhà nước, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm, đề cao hiệu quả phòng ngừa, bảo đảm tính nhân đạo, tính hướng thiện cần được thẩm thấu trong từng quy định của pháp luật. Như vậy, hệ thống pháp luật được xây dựng, tồn tại phải vì con người và bảo vệ quyền con người; tiếp tục cụ thể hóa các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia, quan tâm xây dựng pháp luật bảo vệ quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như quyền trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, dân tộc thiểu số…

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo thực hiện tốt an sinh xã hội, an ninh con người, chú trọng các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc, đất đai, lao động...; đặc biệt chính sách đối với nhóm người dễ bị tổn thương trong cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Chính sách an sinh xã hội phải bảo đảm gắn phát triển kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Theo quan điểm của Tổng Bí thư, đó là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để phát triển bền vững đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, gắn với phát triển kinh tế, chống bất công, bất bình đẳng xã hội, để mọi người đều có cơ hội, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng bảo đảm thực hiện quyền con người trong quá trình đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Tường Duy Kiên

Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đọc thêm