Trong đó, giải quyết vấn đề hộ tịch trong trường hợp người vợ sinh con theo phương pháp nhân tạo bằng tinh trùng của người chồng đã mất vừa xảy ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Toàn (Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) cho biết, hiện chưa có qui định pháp luật về hộ tịch, hôn nhân và gia đình, dân sự cụ thể liên quan đến trường hợp sinh con bằng tinh trùng của người cha đã chết, mà mới có qui định đăng ký khai sinh cho trẻ em có cha mẹ đang trong thời kỳ hôn nhân và trẻ em được mẹ khai là sinh ngoài giá thú.
Vì vậy, trong trường hợp này vẫn sẽ đăng ký khai sinh cho hai trẻ song sinh từ tinh trùng của người cha đã mất theo qui định trẻ em sinh ngoài giá thú. Ông Nguyễn Văn Toàn cũng khẳng định, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu những trường hợp này để đưa vào qui định của pháp luật.
Làm rõ những vấn đề được báo chí đặc biệt quan tâm về các qui định xử phạt các VPHC trong hoạt động báo chí trong các nghị định về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), ông Đặng Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ triển khai các Nghị định về XLVPHC cho biết, đây là vấn đề thực tiễn đặt ra không chỉ ở việc XLVPHC lĩnh vực báo chí mà ở các lĩnh vực khác. Do số Nghị định XLVPHC giảm từ gần 130 Nghị định xuống còn hơn 50 Nghị định, mà số hành vi trong lĩnh vực báo chí bị XLVPHC là rất nhiều nên dễ trùng lắp trong qui định xử lý ở các văn bản ở các lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, do có yếu tố đặc thù, nằm ở lĩnh vực khác nên mức phạt tương đương nhau. Thẩm quyền xử phạt trên cơ sở của Luật, các Nghị định sẽ cụ thể các chức danh có thẩm quyền trong lĩnh vực đó. Không loại trừ do có sự trùng lắp về thẩm quyền và hành vi nên nếu có sự trùng lắp thì áp dụng theo Nghị định được Chính phủ ban hành sau.