Huy động nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: Xây dựng chính sách mới về doanh nhân, trí thức, chuyên gia kiều bào

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

- Ông đánh giá thế nào về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), nhất là trong bối cảnh Việt Nam và các nước đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19?

- Có thể thấy, cộng đồng NVNONN tiếp tục hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực và là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước - cả về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngoài ra, cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng và luôn mong muốn đồng hành, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

Theo thống kê, năm 2021, mặc dù bị tác động mạnh do COVID-19 gây ra nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn tăng khoảng 10% so với năm 2020. Tổng lượng kiều hối chuyển về nước trong những năm qua đang hướng tới mốc 200 tỷ USD.

Trong lĩnh vực thương mại, hàng trăm ngàn doanh nhân NVNONN đã tích cực tham gia liên kết, thúc đẩy xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong cộng đồng.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, thành tựu của cộng đồng NVNONN ngày càng đáng kể. Theo ước tính, có khoảng 500 ngàn - 600 ngàn doanh nhân, trí thức có trình độ cao, chiếm 10-12% trong cộng đồng NVNONN, trong đó tập trung ở các quốc gia phát triển như Mỹ (với khoảng 50%), Pháp, Australia, Canada, Nga và Đông Âu. Trí thức NVNONN đã được tập hợp, tham gia “hiến kế” cho nhiều vấn đề trong nước như công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…

Ngoài ra, nguồn lực “mềm” của cộng đồng NVNONN đã, đang và sẽ góp phần giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Vai trò, vị thế và ảnh hưởng của cộng đồng NVNONN ở sở tại ngày càng được nâng cao và mở rộng, tham gia sâu vào mọi mặt đời sống ở sở tại, từ chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật…

Điều đáng quý là, cộng đồng NVNONN luôn dành tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho quê hương, lan tỏa giá trị, hình ảnh đẹp về truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dù bà con cũng gặp không ít khó khăn nhưng cộng đồng NVNONN đã rất nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, thống kê trong 2 năm 2020 – 2021, bà con đã quyên góp ủng hộ trong nước khoảng 115 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống Covid-19 và Quỹ vaccine trong nước.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế, bác sỹ kiều bào ở nhiều nơi tích cực hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm hoặc tình nguyện về nước tham gia chống dịch. Các cá nhân, hội, đoàn của trí thức, doanh nhân NVNONN tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao vaccine, chia sẻ thông tin, hỗ trợ vận động, tiếp cận với các nguồn vaccine, vật tư y tế.

- Theo ông, cần làm gì để huy động tốt hơn sự đóng góp của Việt kiều đối với Tổ quốc?

- Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nguồn lực NVNONN là nhất quán như đã được khẳng định trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, NVNONN không chỉ là “bộ phận không tách rời” mà còn là “một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng yêu cầu phải có chính sách thu hút nguồn lực của NVNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học NVNONN, xây dựng, triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và NVNONN, tranh thủ tối đa nguồn lực NVNONN tham gia đóng góp phục vụ phát triển đất nước.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực của kiều bào đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, theo tôi, cần triển khai một số biện pháp cụ thể như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác NVNONN nói chung và vai trò của nguồn lực kiều bào nói riêng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, rà soát những vấn đề vướng mắc, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và xây dựng chính sách mới liên quan đến doanh nhân, trí thức, chuyên gia kiều bào. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, minh bạch, hiệu quả; Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của kiều bào; Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, kết nối trong và ngoài nước; Thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc với NVNONN, tăng cường sự gắn kết giữa kiều bào với quê hương, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, tất cả vì mục tiêu một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiện Uỷ ban đang xây dựng Đề án Phát huy nguồn lực NVNONN trong tình hình mới với trọng tâm là tăng cường vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp, chương trình, dự án hợp tác để tạo điều kiện thu hút nguồn lực NVNONN tham gia vào các lĩnh vực cụ thể. Khuyến khích thành lập và hỗ trợ nâng cao vị thế của các mạng lưới, hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội trí thức ở sở tại. Tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội thảo kết nối kiều bào với trong nước, qua đó, thông tin về các chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, hoạt động khoa học và công nghệ, các dự án kiều bào có thể tham gia đóng góp. Xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng lưới kết nối doanh nhân, trí thức kiều bào.

Đàm phán để sớm mở đường bay thương mại thường lệ ở 8 địa bàn

Về tạo điều kiện cho bà con về quê đón Tết, đảm bảo công tác phòng chống dịch, Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, hiện nay, do tình hình dịch bệnh trên thế giới còn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho kiều bào về quê đón Tết Nhâm Dần. Việc mở đường bay thương mại với một số nước đang trong giai đoạn thí điểm. Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thêm các chuyến bay để đáp ứng tốt nhất nhu cầu, nguyện vọng về nước của bà con. Hiện đang đàm phán để sớm mở đường bay thương mại thường lệ ở 8 địa bàn đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Đọc thêm