Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên quê hương đất Võ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn vừa có ý kiến chỉ đạo thủ trưởng các Sở, ban, ngành địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên quê hương đất Võ

Tại văn bản số 7816/UBND-TH, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề bao gồm: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, ông Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu các Sở, ngành địa phương huy động tối đa nguồn lực để tổ chức triển khai cũng như tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời tập trung giải ngân nguồn vốn được giao của Chương trình, phấn đấu đến hết năm 2024 giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình được giao (bao gồm các nguồn vốn từ các năm trước kéo dài sang thực hiện trong năm 2024).

Xây dựng kênh mương xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định)
Xây dựng kênh mương xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định)

Ngoài ra, ông Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí trên địa bàn tỉnh cũng như hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức lấy ý kiến hài lòng người dân trong xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, tránh hình thức.

Xã Huyện Hoài Ân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã Huyện Hoài Ân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Riêng đối với chương trình ở cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu các địa phương xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm bao gồm các nội dung: kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đối với các xã, huyện sau khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; kiểm tra, hướng dẫn các xã thuộc Kế hoạch xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Định đã có 113 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện xây dựng nông thôn mới; trong đó, có 91/113 xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 80,5%); 24/91 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 26,3%); 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, có 06 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 54,54%).

Theo đó đến năm 2025, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu có 96 xã (tương đương 85%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 39/96 xã đạt chuẩn) và ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 10/96 xã đạt chuẩn); không còn xã dưới 15 tiêu chí, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Cùng với đó, phấn đấu ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao (dự kiến phấn đấu huyện Tuy Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao); có 60% số thôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định. Đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Đọc thêm