Thực hiện dự án cải tạo nâng cấp QL 53 (đọan quan huyện Duyên Hải, Trà Vinh), UBND huyện Duyên Hải ban hành quyết định (QĐ) thu hồi đất của dân một cách cẩu thả, với nhiều sai sót để rồi hai năm sau phải chỉnh sửa nhiều lần. Quyết định áp giá bồi hòan thiệt hại tài sản cho dân cũng không chính xác khiến người dân thiệt thòi.
Bà Nguyễn Thị Ngọ bức xúc vì một phần căn nhà 1 trệt 2 lầu, kết cấu xây dựng móng đơn nhưng không được bồi thường đúng thực tế thiệt hại |
Chưa có dự án, đã ban hành quyết định thu hồi đất?
Bà Nguyễn Thị Ngọ (ngụ ấp Cẩm Hương, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) được cấp QSDĐ trên phần đất 670 m2 đất lúa, tọa lạc tại ấp 12, xã Long Hữu, huyện Duyên Hải (mặt tiền QL 53). Năm 2004, bà Ngọ chuyển mục đích sử dụng 218 m2 để xây nhà 1 trệt 2 lầu. Ngòai ra, trên phần đất còn lại bà Ngọ cất xưởng sản xuất nước đá bẹ.
Ngày 16/3/2009, Phó chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, ông Phạm Văn Rê, ký QĐ số 1183/QĐ-UBND thu hồi 266 m2 đất của bà Ngọ để thi công công trình cải tạo, nâng cấp (CT,NC) QL 53. QĐ này ghi sai cả địa chỉ, thửa đất của bà Ngọ. Thế nhưng, QĐ này lại căn cứ Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và QĐ số 3046/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2009 của Bộ GTVT về việc đầu tư CT,NC dự án QL 53 (?!).
Chưa có dự án nhưng huyện đã thu hồi đất của dân và kèm Bảng kê chi tiết bồi thường hộ dân (BKCTBTHD) ghi ngày 17/3/2010 (tức trao sớm hơn 1 năm) cho bà Ngọ, với tổng số tiền bồi thường trên 650,1 triệu đồng. Một thời gian sau, UBND huyện lại trao tiếp QĐ thu hồi đất, cũng cùng số, cùng ngày tháng nhưng khác năm là 2010.
Tuy nhiên, QĐ số 1183/QĐ-UBND ký ngày 16/3/2010 chỉ thu hồi của bà Ngọ 234 m2 đất nhưng ghi sai địa chỉ là ấp Cẩm Hưng. Lần này bà Ngọ nhận được BKCTBTHD cũng giống y chang lần trước, cũng cùng số, cùng ngày 17/3/2010, nhưng chỉ khác là tổng số tiền bồi thường đã giảm xuống còn hơn 418,3 triệu đồng mà không hề trao QĐ phê duyệt phương án bồi thường giả tỏa để thực hiện dự án.
Mãi đến ngày 8/4/2011, ông Hùynh Kíp Nổ, Phó chủ tịch huyện “tham mặt” UBND huyện ký QĐ số 1581, thu hồi QĐ số 1183 được ban hành năm 2009. Đến ngày 6/12/2011, ông Hùynh Kíp Nổ lại thay mặt UBND huyện ký QĐ số 3814/QĐ-UBND điều chỉnh nội dung Điều 1, QĐ số 1183/QĐ-UBND đã ký ngày 16/3/2010, vì ghi sai ấp Cầm Hương thành ấp Cẩm Hưng.
Bồi thường chưa thỏa đáng
Do tính áp giá bồi thường của năm 2009 nên gia đình bà Ngọ chỉ nhận được hơn 418 triệu đồng. Trong đó, tiền bồi thường 234 m2 đất (có 34 m2 đất thổ cư) ở vị trí mặt tiền QL 53 và trung tâm xã nhưng chỉ nhận được hơn 15,6 triệu đồng. Căn nhà 1 trệt 2 lầu bị ảnh hưởng dự án, bị áp giá 2.825.900 đồng/m2.
Chưa hết, theo bà Ngọ, một căn nhà kế bên được xây dựng 1 trệt, 1 gác lửng thì được bồi thường với giá 3,1 triệu/m2 (?). Do căn nhà bị ảnh hưởng một phần và Tiểu ban bồi thường (TBBT) lại tính theo kiểu cứ đập đến đâu bồi thường đến đó nên bà Ngọ không đồng ý, vì nhà xây kết cấu móng đơn, phần còn lại sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào. Những khiếu nại của bà Ngọ bị UBND huyện Duyên Hải bác đơn.
Khi sự việc được khiếu nại lên cấp tỉnh, qua kiểm tra thực tế là nhà móng đơn nên ngày 22/11/2011, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo huyện Duyên Hải thu hồi QĐ bác đơn khiếu nại của bà Ngọ. Yêu cầu TBBT xem xét, trình cấp có thẩm quyền để xin ý kiến bồi thường, hỗ trợ phần còn lại của căn nhà do làm móng đơn nên phải tháo dỡ phần còn lại.
Bà Ngọ, bức xúc: “Thanh tra tỉnh đã giải quyết như vậy nhưng ngày 1/12/2011, phía huyện lại trao cho tôi BKCTBTHD bổ sung (ghi ngày 12/8/2011 ?) với giá là hơn 66,8 triệu và sau đó yêu cầu nhận tiền. Ngày 13/12/2011, tôi lại được mời lên UBND xã Long Hữu để trao BKCTBTHD (bổ sung), cũng ghi ngày 12/8/2011, với số tiền là hơn 87,4 triệu đồng ?”
Điều lạ, từ ngày 22/11/2011, Thanh tra tỉnh kiến nghị TBBT xem xét, trình cấp có thẩm quyền chủ trương bồi hòan, hỗ trợ phần còn lại của căn nhà 2 tầng (như công văn của Sở XĐ), nhưng cấp huyện lại đem 2 BKCTBTHD cùng ngày 12/8/2011 ra để giải quyết ? Hơn nữa, lần bồi thường bổ sung này, phía huyện lại tính nhà 1 trệt, 1 lầu với diện tích 51 m2 chứ không chịu tính 2 tầng. Ngòai việc bồi hòan không đúng thực tế, câu hỏi lớn mà bà Ngọ đặt ra là vì sao QĐ thu hồi đất có giá trị pháp lí năm 2010 nhưng lại áp giá bồi hòan năm 2009 ?
Về xưởng sản xuất nước đá bẹ do anh Lâm Văn Cường (con bà Ngọ) làm chủ, mỗi ngày sản xuất 3.000 bẹ nước đá và mỗi tháng phải đóng 278 nghìn đồng tiền thuế. Do đất của bà Ngọ, nên khi giải tỏa xưởng sản xuất của anh Cường chỉ được bồi thường tổng cộng 187,8 triệu đồng, trong đó dây chuyền máy móc được bồi thường có 104 triệu.
Để lắp ráp lại một dàn máy sản xuất, một người thờ ở Duyên Hải đã tính chi tiết giá cho anh Cường là 224 triệu đồng, chưa kể phải tìm đất. Việc bồi thường, áp giá thấp và cũng không hề tính đến hệ số sinh lợi từ cơ sở kinh doanh, mặt khác bản thân anh không đủ vốn để tái xây dựng sản xuất nên anh làm đơn yêu cầu xem xét lại mức giá bồi thường và hỗ trợ. Bức thiết nhất là việc anh Cường xin hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng các cấp chính quyền ở Trà Vinh đã bác đơn của người đàn ông 42 tuổi, phải nuôi hai con thơ dại (vì vợ đã mất) này.
Trần Nam