Như PLVN phản ánh, từ năm 2006, ông Đỗ Văn Bộp, trú tại thôn Lão Phú, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy đã nhiều lần khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp đất của chính quyền địa phương. Cho rằng, đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại, UBND huyện Kiến Thụy liên tục ra thông báo, yêu cầu chính quyền xã phải thực hiện quyết định đang bị khiếu nại...
|
Chính quyền thờ ơ trước cảnh màn trời chiếu đất của gia đình ông Bộp |
Không giải quyết theo luật
Như PLVN đã phản ánh, từ năm 2006, ông Đỗ Văn Bộp, trú tại thôn Lão Phú, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy đã khiếu nại quyết định của UBND huyện Kiến Thụy về việc giải quyết tranh chấp đất giữa hộ gia đình ông Đỗ Văn Bộp với hộ ông Bùi Đức Quyến.
Theo quyết định số 622/ QĐ- CT ngày 14/9/2006 của UBND huyện Kiến Thụy, hộ ông Bộp chỉ được sử dụng 392 m2 tại thửa đất số 246, tờ bản đồ số 2; 43 m2 đất còn lại trong thửa đất này được UBND huyện Kiến Thụy “quyết” thành ngõ đi chung, bản chất là làm ngõ đi cho hộ ông Bùi Đức Quyến - hộ liền kề gia đình ông Bộp.
Nhận định Quyết định 622 của UBND huyện Kiến Thụy vừa thiếu tình, vừa không đạt lý bởi lẽ: Nguồn gốc thửa đất 246 được xác định của cụ Bùi Đức Ái, từ những năm 70 của thế kỷ trước, cụ Bùi Đức Ái giao cho vợ chồng bà Hằng và hộ bà Biên (đều là cháu cụ Ái) sử dụng.
Năm 1999, ông Bộp nhận chuyển nhượng một phần thửa đất số 246 của hộ gia đình bà Cao Thị Hằng, cháu dâu ông Quyến. Theo xác minh của chính Phòng TN & MT huyện Kiến Thụy, của UBND xã Tân Phong, từ năm 1989 đến khi xảy ra tranh chấp, thửa đất 246 có tổng diện tích 760 m2, được cụ Ái giao cho hai hộ sử dụng đất. Hồ sơ địa chính, sổ mục kê lưu giữ tại chính quyền, qua rất nhiều lần chỉnh lý biến động đất, thửa đất này không hể có bất có bất cứ một m2 đất nào sử dụng làm ngõ đi chung.
Tuy nhiên, như PLVN đã phản ánh, chỉ căn cứ vào lời khai của người nhận chuyển nhượng đất - có quan hệ thân tộc với gia đình ông Quyến và một số “cụ cao tuổi” trong làng, UBND huyện Kiến Thụy vẫn quyết tâm “cắt 43m2” đất thổ cư trong một thửa đất ra làm ngõ đi chung.
Chưa hết, khi giải quyết vụ việc, UBND huyện Kiến Thụy cho rằng, mặc dù ông Bộp có tới hai giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều có xác nhận của UBND xã Tân Phong. Một trong hai giấy biên nhận ghi rõ, ông Bộp nhận chuyển nhượng 392m2 đã được xác nhận có dấu hiệu không trung thực, người chuyển nhượng xác nhận không ký vào biên bản này, UBND huyện Kiến Thụy cũng đã kiến nghị UBDN xã Tân Phong tiến hành kỷ luật cán bộ xã Tân Phong đã ký vào giấy biên nhận này nhưng, UBND huyện Kiến Thụy vẫn cho rằng, ông Bộp chỉ nhận chuyển nhượng 392m2 đất, nay đo kiểm trên thực tế, số diện tích này vẫn đủ, diện tích dôi ra được xác định là ngõ đi chung. Như vậy, khi giải quyết vụ việc, UBND huyện Kiến Thụy đã không căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai, chỉ căn cứ vào quan điểm của một số “cụ cao tuổi” trong làng, căn cứ vào “thực tế” để giải quyết vu việc.
Quyết bảo vệ quan điểm sai?
Sau khi PLVN phản ánh vụ việc, ngày 06/6, UBND huyện Kiến Thụy tổ chức một hội nghị giải quyết kiến nghị của người dân, ông Đoàn Văn Lập, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kiến Thụy chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị này, ông Đoàn Văn Lập kết luận, UBND huyện ra các thông báo giải quyết kiến nghị 622 là hoàn toàn đúng luật bởi lẽ, thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định 622 đã hết. Do vậy, UBND huyện Kiến Thụy lại tiếp tục ra thông báo (thông báo số 150 ngày 12/6/2012) yêu cầu ông Bộp, UBND xã Tân Phong phải nghiêm túc thực hiện quyết định 622, ông Bộp chỉ được sử dụng 392m2 đất, chính quyền địa phương phải hoàn thành việc cắm mốc giới phân chia ngõ đi xong trước ngày 25/6/2012.
Trở lại quyết định 622, quyết định này ghi rõ, sau khi công nhận quyền sử dụng đất cho hai hộ dân hiện đang sử dụng diện tích trong thửa đất 246, chính quyền địa phương phải chỉnh lý biến động đất đai, điều này đồng nghĩa, cho đến tận thời điểm năm 2006, trước khi UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, thửa đất 246 mà ông Bộp nhận chuyển nhượng vẫn chỉ là một thửa đất ở, không có đất sử dụng chung. Bằng chính hành động chỉnh lý “biến động” 43m2 đất ở, UBND huyện Kiến Thụy đã “thừa nhận” việc “cắt” đất thổ cư của ông Bộp thành đất giao thông nông thôn.
Xin được nhắc lại, trong quá trình tìm hiểu vụ việc, một lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Kiến Thụy thừa nhận, lãnh đạo huyện Kiến Thụy đã không lắng nghe quan điểm của cơ quan chuyên môn khi xác định nguồn gốc đất, giải quyết vụ việc.
Chưa hết, việc chính quyền địa phương cương quyết cắt đất ở của người dân còn được thể hiện qua việc chính ông Bộp tố cáo, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Kiến Thụy xác thực: trong nhiều năm qua, đã không ít lần, Chủ tịch xã Tân Phong, cán bộ chủ chốt huyện Kiến Thụy đã đề nghị hỗ trợ ông Bộp hàng chục triệu đồng, thực chất là đề nghị ông Bộp “bán” lại một phần diện tích này cho UBND xã Tân Phong để làm ngõ đi chung.
Trao đổi với PLVN, ông Đoàn Duy Bình, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho rằng, chính quyền luôn quan tâm, bảo vệ quyền lợi người dân. Tuy nhiên, có một thực tế, sau hơn 6 năm kiên trì khiếu nại quyết định giải quyết kiến nghị của UBND huyện Kiến Thụy.
Mặc dù Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã có quan điểm rõ ràng về giải quyết vụ việc đặt quyền lợi người dân lên trên hết nhưng Ông Đoàn Văn Lập - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy - vẫn nhận định, quyết định 622, quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Kiến Thụy đúng luật? Bởi vậy, mới đây nhất, ngày 15/6, bằng thông báo số 150/TB- UB, văn phòng UBND huyện Kiến Thụy thông báo ông Bộp phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định “cắt đất” của UBND huyện Kiến Thụy. Với thông báo lần này, không biết quyền lợi của dân được đặt ở đâu?.
Để thực hiện thông báo của UBND huyện Kiến Thụy, ngày 15/6, cơ quan chức năng của huyện Kiến Thụy, UBND xã Tân Phong đã tiến hành cắm mốc giới, ngăn chia phần diện tích “dôi” ra so với biên bản nhận chuyển nhượng đất có dấu hiệu không trung thực (theo kết luận của UBND huyện) làm ngõ đi chung.
Từ tháng 4/2012, hộ ông Bộp tiến hành phá nhà cũ, xây nhà mới. Do diện tích xây dựng nằm trên cả phần diện tích đang tranh chấp, UBND huyện Kiến Thụy đã ra quyết định xử phạt hành chính. Từ đó đến nay, ông Bộp chưa thể tiến hành xây lại nhà mới, phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương.
Linh Nhâm