Hộ gia đình, cá nhân muốn lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) phải có chứng thực của UBND cấp xã nơi có đất; Trích lục bản đồ thửa đất, đơn đề đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ cũng cùng một cửa như vậy. Lợi dụng quy định này, chính quyền một số xã tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã “tác quái” ra một chiêu độc ép dân “tự nguyện” nộp các khoản đóng góp ủng hộ cho xã, nếu muốn có xác nhận trên hồ sơ.
Xã Vân Canh thu được 425.000.000 đồng từ việc xác nhận vào trích lục bản đồ thửa đất, |
Đầu tiên, có mặt trong danh sách chủ “bản quyền” của chiêu này là chính quyền xã An Khánh. Tháng 4/2013, tới UBND xã An Khánh để hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ, anh Nguyễn Hữu Mạnh (thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh) bị phen "té ngửa" khi được cán bộ địa chính ở đây cho biết: Để có được chữ ký của cán bộ địa chính và lãnh đạo xã, anh phải... "tự nguyện" đóng góp 5 triệu đồng vào Quỹ Khuyến học của địa phương.
“Đồng bản quyền” chiêu ép dân “tự nguyện”, còn có hai cái tên : xã An Thượng và Vân Canh. Chỉ khác quy định từ “luật mồm” của xã An Khánh, xã An Thượng có hẳn hội nghị giao ban vào đầu tháng 8/2011 để quy định việc thu tiền đóng góp xây dựng hạ tầng địa phương.
Mức đóng góp được quy định tối đa là 5 triệu đồng/trường hợp và chỉ áp dụng đối với công dân ngoài địa phương nhận chuyển nhượng QSDĐ tại xã. Hoành tráng nhất, xã Vân Canh còn có cả Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cuối năm 2010 để phê chuẩn mức đóng góp 5 triệu đồng xây dựng địa phương đối với các trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại xã nhận chuyển QSDĐ.
Hãy xem hiệu quả của chiêu độc này. Kết luận từ thanh tra huyện cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 5/2013, xã An Khánh thu được 559.500.000 đồng tiền đóng góp... "tự nguyện" từ các trường hợp chuyển nhượng QSDĐ.
Xã An Thượng thu 86.500.000 đồng. Và xã Vân Canh thu được 425.000.000 đồng từ việc xác nhận vào trích lục bản đồ thửa đất, đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Hành vi trộm từ 2 triệu đồng đã là tội phạm, cướp thì không cần đến giá trị tài sản chiếm đoạt. Còn hành vi công khai ép dân “công đức” trên danh nghĩa “tự nguyện” ở các xã trên thì lấn cấn, chẳng biết nên gọi thế nào cho rõ nét?
Theo Xa lộ pháp luật