Trong quá trình thực hiện GPMB trên địa bàn xã Nghĩa Sơn, UBND huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, đã đền bù tài sản trên đất không đúng đối tượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân, đó là phản ánh của ông Đặng Ngọc Quế, trú xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Sơn gửi PLVN.
Lô cao su vợ chồng chị Hoàng Thị Thùy bỏ công chăm sóc. |
Đền bù nhầm đối tượng ?
Theo phản ánh, tháng 9/1994 ông Hoàng Văn An, trú xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Sơn, nhận khoán với Nông trường 19/5 huyện Nghĩa Đàn 1,64ha đất tại lô số 10 xã Nghĩa Sơn để trồng cao su, nhưng do tuổi cao sức yếu, tháng 9/1996 ông An chuyển nhượng quyền đầu tư tài sản, khai thác và sử dụng trên thửa đất trên cho chị Hoàng Thị Thùy (vợ ông Quế) để trồng dặm, chăm sóc, khai thác và thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước (thể hiện tại các hóa đơn thực hiện nghĩa vụ giao khoán), hoàn trả đủ vốn vay theo dự án 327.
Ngày 17/9/1996, ông An có đơn gửi chính quyền địa phương xin chuyển nhượng lại vườn cây cao su cho bà Hoàng Thị Thùy, có sự xác nhận của đội trưởng, xóm trưởng ở khu phố 5, xóm Sơn Hạ (xã Nghĩa Sơn). Cùng ngày, bà Thuỳ có đơn xin nhận khoán đất trồng cây lâu năm gửi Cty 19/5 (thuộc Tổng Cty Rau quả Việt Nam) và được đội trưởng, xóm trưởng, UBND xã Nghĩa Sơn xác nhận. Tại bản Chi tiêu nộp thuế và khoán sử dụng đất nông nghiệp năm 2008 của Nông trường 19/5, ghi rõ: “Căn cứ theo hợp đồng kinh tế và diện tích sử dụng thực tế của bà Hoàng Thị Thuỳ, đội 5, nông trường 19/5...”. Ngoài ra, hàng chục phiếu thu thuế ở các năm 2005, 2006, 2009... điều ghi rõ người nộp tiền là bà Thuỳ.
Thế nhưng, khi thực hiện GPMB nhằm thu hồi đất, UBND huyện Nghĩa Đàn đã chuyển toàn bộ lô cao su - tài sản của gia đình bà Thùy sang cho ông Hoàng Văn An và ông An đã được Hội đồng đền bù GPMB huyện Nghĩa Đàn cho ký nhận hơn 400 triệu đồng tiền đền bù GPMB cho đất và tài sản trên đất (cây cao su của vợ chồng chị Thùy).
“Lẽ ra đối tượng thụ hưởng quyền lợi GPMB phải là vợ chồng tôi, nhưng không hiểu vì lý do gì UBND huyện Nghĩa Đàn lại biến tài sản của tôi thành tài sản của người khác?”- chị Thùy nói.
Thẩm quyền giải quyết của tòa án
Ông Vi Văn Định - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng: “Khi đền bù huyện xác định chủ đất và chủ tài sản là ông Hoàng Văn An dựa trên căn cứ hợp đồng nhận khoán. Tại bản hợp đồng nhận khoán với Nông trường 19/5 là đứng tên ông An”. Ông Định cũng khẳng định, tại các buổi làm việc với lãnh đạo huyện, ông An khẳng định không viết giấy chuyển nhượng giao khoán cho chị Thùy.
Ông An cũng cho rằng chữ viết trên đơn xin chuyển nhượng không phải là chữ của ông và không có chữ ký của ông. Căn cứ vào đó, UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng vợ chồng chị Thùy có công chăm sóc lô cao su trên chứ không phải là chủ sử dụng hợp pháp.
Được biết, ngày 03/12/2012, UBND huyện Nghĩa Đàn tổ chức đối thoại giữa các phòng, ban chức năng của huyện, Công ty 19/5, ông An với gia đình bà Thuỳ nhưng các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Mới đây nhất, ngày 19/12/2012, UBND huyện Nghĩa Đàn tiếp tục có buổi làm việc để giải quyết đơn khiếu nại của ông Đặng Ngọc Quế (chồng bà Thùy).
Tại buổi làm việc, ông Vi Văn Định cho rằng: “Hợp đồng chuyển nhượng giữa ông An và vợ chồng ông Quế, bà Thuỳ nếu hợp pháp phải được sự cho phép của Nông trường 19/5. Theo Hợp đồng giao khoán số 188 ngày 06/9/1994 thì Hội đồng GPMB lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho ông An là đúng quy định.
Tranh chấp tài sản trên đất giữa ông An và hộ gia đình ông Quế, bà Thùy, UBND huyện khuyến khích, vận động hai gia đình tự thương lượng, thoả thuận để xử lý dứt điểm tranh chấp. Trường hợp các hộ không thỏa thuận được, nếu có tranh chấp thì các công dân làm đơn khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết”
Thiết nghĩ, UBND huyện Nghĩa Đàn và các cơ quan chức năng cần xem xét một cách khách quan, toàn diện vụ việc để đảm bảo quyền lợi của người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.
Trung Thứ