Huyện Tân Phước thay đổi diện mạo chào đón danh hiệu huyện nông thôn mới

(PLVN) - Huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) đã và đang thay đổi diện mạo chuẩn bị đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới (NTM) và kỷ niệm 30 năm thành lập (27/8/1994 - 27/8/2024). Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện là 64,34 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2030 đạt 85 triệu đồng/người/năm.
Cổng chào huyện Tân Phước - nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới.
Cổng chào huyện Tân Phước - nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới.

“Trung tâm đất phèn” quyết tâm xây dựng nông thôn mới

Huyện Tân Phước là một huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, được mệnh danh là “trung tâm đất phèn” thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 25km về phía Tây Bắc. Huyện có dân số là 66.502 người, tổng diện tích tự nhiên 33.012,86ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 81%. Đến nay, “trung tâm đất phèn” có 11/11 xã đạt chuẩn NTM (03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao) và thị trấn Mỹ Phước đạt chuẩn đô thị văn minh.

Với lợi thế về 2 tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đi ngang, gần với nút giao cao tốc và các tuyến đường lớn, Tân Phước đã khai thác và phát huy tối đa tiềm năng để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đan xen với phát triển nông nghiệp và thương mại dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện là 64,34 triệu đồng/người/năm, tăng 42,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2011, phấn đấu đến năm 2030 đạt 85 triệu đồng/người/năm.

Những năm qua, “cánh đồng khóm” đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển khá mạnh, giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) năm 2011 từ 4.154 tỷ đồng tăng lên 20.556 tỷ đồng vào năm 2023 và ước đến cuối năm 2024 là 22.745 tỷ đồng.

Qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Tân Phước đều chọn chương trình “Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” là chương trình trọng tâm nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Với quyết tâm cao, Tân Phước đã ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Từ khi bắt đầu chương trình vào năm 2011, huyện đã hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM với quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ rà soát từng tiêu chí, hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện. Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM huyện được thành lập chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Các thành viên là công chức thuộc các phòng, ban, ngành huyện và 01 biên chế chuyên trách NTM cấp huyện. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình được đặt tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Huyện Tân Phước quyết tâm hoàn thành huyện nông thôn mới.

Huyện Tân Phước quyết tâm hoàn thành huyện nông thôn mới.

“Quả ngọt” của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân “Cánh đồng khóm”

Thời gian qua, khi thực hiện xây dựng huyện NTM, huyện còn gặp không ít khó khăn. Do thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười nên bị ảnh hưởng nhiều của lũ lụt, đất đai hầu hết là nhóm đất phèn, nên chỉ phù hợp trồng các loại cây đặc trưng như khóm, lúa, khoai mỡ... Đặc biệt, kinh tế nông thôn chủ yếu là thuần nông, sản xuất nhỏ lẻ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chưa phát triển, thu nhập của người dân còn thấp.

Lực lượng lao động trên địa bàn huyện tuy dồi dào nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chưa cao. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân.

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện có cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, môi trường... tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách còn hạn chế, việc huy động nguồn đóng góp của Nhân dân đôi lúc gặp khó khăn.

Ông Trần Hoàng Phong - Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, huyện NTM được xây dựng với tổng kinh phí là hơn 3.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã, vốn tín dụng, doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp và nguồn huy động khác. Qua 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện được quan tâm đầu tư và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Để phấn đấu đạt được những thành quả cao hơn, xây dựng huyện Tân Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh, huyện sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Về quy hoạch, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, hạ tầng xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng mới: Sân vận động, Hội trường đa năng, Nhà luyện tập thể thao, Trường THPT Tân Phước...

Lĩnh vực giao thông huyện phát triển đồng bộ, mạng lưới giao thông, bảo đảm kết nối toàn diện như: nâng cấp, mở rộng đường huyện 40, 47, 41, 42, xây dựng mới 175 đường giao thông, 124 cầu với tổng kinh phí trên 750 tỷ đồng.

Hệ thống điện, hệ thống thủy lợi liên xã được đồng bộ. Hệ thống thủy lợi có tổng cộng 244 tuyến kênh với chiều dài 809,15km và chiều dài đê bao 751,2km, có thể bảo vệ 18,55ha. Hệ thống điện hiện có đường dây hạ thế dài 618,875km, số hộ sử dụng điện thường xuyên, sử dụng điện an toàn là 18.333 hộ, đạt tỷ lệ 100%.

Huyện đều đạt chuẩn về Trung tâm Y tế, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Trường trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Kết quả đánh giá chất lượng Trung tâm Y tế năm 2023 được Sở Y tế công nhận đạt 1769,81/1772,5 điểm, tỷ lệ 95,44%, xếp loại xuất sắc.

Một góc Khu công nghiệp Long Giang.

Một góc Khu công nghiệp Long Giang.

Về kinh tế, theo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn huyện Tân Phước được quy hoạch 6 khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Long Giang, KCN Tân Phước 1, 2, 3, 4, 5 với tổng diện tích 2.360ha. Hiện nay, KCN Long Giang đã đi vào hoạt động từ năm 2007 với diện tích 540ha, vốn đầu tư 100 triệu USD. KCN đã kêu gọi đầu tư được 55 dự án với tổng vốn của doanh nghiệp là 1,79 tỷ USD và 90 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 24.000 lao động.

Về môi trường, huyện Tân Phước xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Về chất lượng môi trường sống, toàn huyện có 10.071 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ về an toàn thực phẩm của từng ngành đạt tỷ lệ 100%...

Toàn dân vững bước tiến đến nông thôn mới nâng cao

Việc đẩy mạnh công tác xây dựng bộ máy để tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo của huyện và xã, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở cần chú trọng. Chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Cán bộ, đảng viên luôn là người đi đầu làm gương trong xây dựng gắn với thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đồng thời, kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tranh thủ các chương trình, dự án lồng ghép trong xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”.

Tân Phước tiếp tục chủ động, sáng tạo bám sát với điều kiện và lợi thế của huyện, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo quy hoạch, đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Đặc biệt, huyện quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhất là sản xuất khóm - cây chủ lực của huyện. Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu mang tính động lực như: giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa... chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, công tác bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Ngày 27/8 sắp tới, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập (27/8/1994 - 27/8/2024), huyện Tân Phước sẽ long trọng tổ chức Lễ công bố, đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Qua 13 năm triển khai thực hiện, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân “cánh đồng khóm” đã đạt được thành tích đáng ghi nhận.

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến 81.830m² đất, đóng góp 2.800 ngày công lao động, Quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình an sinh xã hội được hơn 9,5 tỷ đồng. Đặc biệt, khoảng 2,3 tỷ đồng được vận động để xây dựng 246 căn nhà, sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, các đơn vị phối hợp hỗ trợ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 6.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trên 1 tỷ đồng, các nhà hảo tâm trên 22 tỷ đồng. Có hơn 6,6 tỷ đồng đã được hỗ trợ đến các em học sinh thông qua 242 suất học bổng, 216 xe đạp cùng các loại dụng cụ học tập và sinh hoạt phí.

Đọc thêm