Huyền tích về ngôi cổ tự và quả chuông khổng lồ ở Nam Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở Nam Định, có 3 ngôi chùa đáng hạng danh tích gồm chùa Phổ Minh, chùa Keo Hành Thiện và chùa Cổ Lễ.
Huyền tích về ngôi cổ tự và quả chuông khổng lồ ở Nam Định

Trong đó, chùa Cổ Lễ tọa lạc tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định) được xây dựng từ thế kỷ 12 dưới thời vua Lý Thần Tông, thánh tổ Nguyễn Minh Không. Các văn bia còn lưu giữ cho biết, ngôi chùa có gắn bó mật thiết với Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không.

Thánh tổ nghề đúc đồng

Theo tư liệu tại chùa Cổ Lễ, sư Minh Không, thiền sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em, cùng nhau sang Tây Vực tầm học phép “Tâm vô lậu” đắc “Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt”.

Sau khi đắc lục trí thần thông, cả 3 trở về nước. Đức thánh tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Sài Sơn. Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không trụ trì chùa Thần Quang (chùa Cổ Lễ). Giác Hải thiền sư trụ trì chùa Diên Phúc. Từ đó, 3 vị trở thành “Nam Thiên Tam vị thánh tổ”.

Tuy nhiên, xung quanh thiền sư Minh Không còn khá nhiều phức tạp về thân thế, hành trạng cũng như những nhầm lẫn về hai vị quốc sư Minh Không và Không Lộ.

Đại đức Thích Tâm Hiệp và nhóm Đền Miếu Việt đã phải mất 5 năm ròng để điền dã đến các nơi mong tìm các bằng chứng tách bạch giữa Minh Không và Không Lộ.

Đại đức Thích Tâm Hiệp cho biết, đền Thánh Nguyễn vốn là ngôi đền cổ thuộc làng Điềm, phủ Tràng An nay là xã Gia Thắng (Gia Viễn - Ninh Bình).

Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 51 đạo sắc phong, bắt đầu từ đạo sắc sớm nhất - Dương Hòa ngũ niên (1639) đến đạo sắc cuối cùng đời Khải Định thứ 9 (1924). Đặc biệt, trong một ngọc phả nhóm nghiên cứu còn tìm thấy tên của cha quốc sư Minh Không và biết được chính xác quê mẹ đẻ.

Dù tư liệu rất rõ ràng từ mấy trăm năm trước, nhưng càng ngày những nhầm lẫn về hai vị quốc sư ngày càng trở nên phức tạp. Cả hai thiền sư đều là quốc sư đời Lý. Nhưng theo lịch sử thì Dương Không Lộ là quốc sư đời vua Lý Thánh Tông, còn Nguyễn Minh Không là quốc sư đời vua Lý Thần Tông.

Theo kiến giải, thiền sư Minh Không thuộc thế hệ sau Không Lộ. Không Lộ ở thế hệ cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Cả hai vị, ngoài tài năng đức độ phi phàm của bậc thiền sư thì còn là thần y, đều đã từng chữa khỏi bệnh cho hai vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông. Hai thiền sư đều được vua phong quốc sư, được tín ngưỡng dân gian phong thần, gọi Đức Thánh tổ.

Tuy nhiên, có lẽ vô cùng cảm kích đức độ, tài năng của hai vị thiền sư mà truyền thuyết dân gian về thiền sư Minh Không đôi khi có sự đồng nhất với thiền sư Không Lộ. Chẳng hạn văn bia tại chùa Cổ Lễ đồng nhất Minh Không cùng thời với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh và gọi đó là “Nam Thiên tam vị Thánh Tổ”.

Tương tự, Không Lộ thiền sư ký ngữ lục lưu giữ tại chùa Keo (Thái Bình) thuật lại tiểu sử Dương Không Lộ, chỉ khác tên họ, quê quán, còn lại sự tích hoàn toàn trùng khớp với thiền sư Minh Không.

Không chỉ trong tâm thức dân gian, đôi khi các tài liệu chính sử cũng có những kiến giải gần như đồng nhất hai vị thiền sư. Chẳng hạn, trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” hoàn toàn không có nhân vật Dương Không Lộ, chỉ thấy 3 đoạn ghi chép về đại sư Minh Không.

Cho đến nay, sau nhiều nghiên cứu thì kết quả vẫn không rõ ràng. Ngay cả nơi sinh, quá trình tu đạo và hành đạo của hai thiền sư cũng hoà vào nhau. Nhiều Phật tử dù rất am hiểu nhưng đôi lúc cũng không phân biệt được giữa thiền sư Không Lộ - Minh Không. Và thậm chí, hai thiền sư lại cùng được tôn là Thánh tổ nghề đúc đồng.

“Trong tâm thức dân gian, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không hầu như được đồng nhất với nhau. Trong các tài liệu, thư tịch cổ các quan điểm khác nhau: Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng, cả hai ông đã từng chữa khỏi bệnh cho hai vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông”, đại đức Thích Tâm Hiệp cho biết.

Tháp Cửu phẩm liên hoa xây dựng trên lưng con rùa.

Tháp Cửu phẩm liên hoa xây dựng trên lưng con rùa.

Ngôi chùa độc đáo nhất Nam Định

Chùa Cổ Lễ trước đây có kiến trúc bằng gỗ, trải qua thời gian bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1902, sư tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì và tiến hành tái thiết chùa với lối kiến trúc mới. Bắt đầu từ đây, chùa Cổ Lễ được biết đến là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng với quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Trên diện tích rộng 9 mẫu, các tòa tháp, cung, điện, được thiết kế theo lối “tiền Phật, hậu Thánh”. Trong đó, điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng của chùa Cổ Lễ chính là tòa tháp Cửu phẩm liên hoa được dựng trước lối vào - trên lưng con rùa khổng lồ, đầu rùa hướng vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to.

Tháp cao 32m với 64 bậc, xoáy trôn ốc lên tới đỉnh, được xây dựng hoàn toàn bằng các vật liệu cổ truyền như vôi, gạch, cát, mật... Tháp có tiết diện hình bát giác với nhiều nét kiến trúc độc đáo.

Từ tháp Cửu phẩm liên hoa, bước qua cây cầu cuốn là quần thể chùa với sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố kiến trúc cổ truyền, được cấu tạo theo thế cửu trùng - gồm chín tòa khác nhau, nhiều tòa ngang dãy dọc liên kết thành một khối và đều được xây dựng bằng vật liệu vôi, cát và mật.

Qua ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích. Mặt cầu lát gạch đất nung dẫn tới chùa Trình – nơi được gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936, phía trước có 2 lư đồng khổng lồ, bên trái chùa Trình là đền Linh Quang từ, được xây vào năm 1937 thờ Trần Hưng Đạo và hai Tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Để tới ngôi Tam Bảo chính cung cao 29m - nơi thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, phải đi qua cây cầu núi có tên là Tả Sơn Kiều hoặc Hữu Sơn Kiều. Hai cầu núi đều có chiều dài hơn 14m. Ngôi Tam Bảo tòa chính cung được xây dựng, thiết kế theo lối kiến trúc kết hợp giữa Âu và Á, giữa cổ và kim rất lạ lùng.

Chuông dưới hồ nước

Sau lưng chùa Trình là một cái hồ lớn, giữa hồ có một quả chuông nặng 9 tấn. Đây cũng là điểm nhấn được cho bí ẩn khiến cho bất cứ du khách nào đến chùa Cổ Lễ cũng phải xem cho kỳ được.

Theo tư liệu nhà chùa, quả chuông này có tên là Đại Hồng Chung do hòa thượng Thích Thế Long cho đúc năm 1936, được coi là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam. Chuông cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm. Miệng chuông có họa tiết cánh sen, thân mang họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Hán.

Theo người dân Cổ Lễ kể lại, ngày đó nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà đúc chuông tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó.

Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, dân trong vùng đề phòng sẽ bị giặc phá hoại, hoặc sợ bị lấy ra đúc pháo nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ.

Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá giữa hồ. Suốt từ đó, quả chuông nặng 9 tấn này chưa được đánh lần nào. Tuy nhiên, người trong vùng truyền tai nhau rằng nếu Đại Hồng Chung được đánh thì cả tỉnh Nam Định và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng chuông.

Năm 1997, nhà chùa đã xây dựng gác chuông ở sau chùa với chiều cao hơn 13m để treo quả chuông nhỏ đời Lê Cảnh Thịnh. Quả chuông này được đúc vào thế kỷ 15, nặng khoảng 300kg. Hai tầng dưới treo quả chuông nặng 9 tấn, cùng trọng lượng với quả chuông đang được đặt ở giữa lòng hồ.

Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào ngày 27/2/1947 – người dân trong vùng đã chứng kiến hoà thượng Thích Thế Long chủ trì lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận.

Một số tư liệu kể lại rằng, tại buổi lễ “cởi áo cà sa”, chư ni Thích Đàm Nhung xúc động đọc lời phát nguyện: Cởi áo cà sa khoác chiến bào/ Việc quân đâu có quản gian lao/ Gậy thiền quét sạch loài xâm lược/ Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào.

Ngay sau đó, 27 nhà sư đã cởi chiếc áo cà sa mà bấy lâu nay vẫn mặc mong một lòng hướng Phật để chính thức lên đường nhập ngũ. Trong cuộc kháng chiến đó, các nhà sư đã lập nhiều chiến công oanh liệt.

Trong cuộc chiến đó, 12 nhà sư đã hi sinh, các nhà sư còn lại sau khi xong nhiệm vụ, có người ở lại quân ngũ và giữ nhiều chức vụ cao, có người trở về tiếp tục tu hành.

Sự kiện “cởi áo cà sa khoác chiến bào” là một dấu ấn đặc biệt mà cho đến nay đã trở thành một trong những huyền thoại của chùa Cổ Lễ.

Năm 1999, để tưởng nhớ công ơn của những nhà sư đã anh dũng hi sinh, nhà chùa đã xây dựng một vườn tượng trong khuôn viên để những người anh hùng ấy mãi là biểu tượng bất tử.