Hy hữu: nhận tội nhanh để… sớm ra tù kêu oan?

“Bị giam lâu tôi nhớ vợ, thương con nhỏ dại nên muốn ra tù sớm rồi đi kêu oan sau. Với lại tôi sốt ruột vì từ ngày tôi đi tù vườn cao su ở nhà không ai chăm sóc nên bị hư mất bốn hecta, xót của nên tôi muốn được sớm về nhà để chăm sóc cao su, kiếm tiền nuôi vợ con”, bị cáo 45 tuổi, ngụ ở ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương thành thật nói và cho biết thêm sẽ làm đơn xin giám đốc thẩm nhằm minh oan cho mình.

Đã hơn 10 tháng kể từ ngày bước chân khỏi trại tù, ông Trần Văn Dung (45 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương) vẫn chưa hiểu nổi vì sao mình bị đi tù. Ông lẩm bẩm: “Đến giờ tui cũng chưa nghĩ ra mình đi tù là thiệt hay chơi nữa”.

Em trai vướng phải “bẫy” của các chị

Ngày tòa sơ thẩm xử án, gia đình người em trai và 3 người chị của ông đi trên bốn chiếc xe hơi đến tòa. Nhà nào cũng dư dả, có của ăn của để. Nhưng tình cảm gia đình thiêng liêng “cùng một mẹ sinh ra” giữa các chị và em trai đã không còn. Nhiều người hàng xóm đến tham dự phiên tòa tỏ ý cảm thông với bị cáo, không hiểu lý do vì sao các nguyên đơn nỡ lòng đưa em trai mình vào cảnh tù tội như vậy.

Người bị “bản án từ trên trời rơi xuống” trúng đầu

Vợ chồng ông Dung từng là giáo viên trường cấp hai, sinh được hai cô con gái. Ông Dung được cha cho một mảnh vườn cao su nên hai vợ chồng nghỉ dạy về làm rẫy nuôi con. Cuối năm 2009, cha ông Dung qua đời để lại khối tài sản là 1,8 ha đất mà không có di chúc, trên đất đó ông Dung đang trồng cao su 5-7 năm tuổi, bắt đầu vào mùa cạo mủ. Mẹ ông Dung họp các con lại (gồm ông Dung và ba chị gái Trần Thị Măng, Trần Lệ Thu, Trần Thị Sáu) thống nhất đến UBND xã lập biên bản thỏa thuận gia đình, đất thuộc về ba người chị, phần ông Dung được khai thác số cao su, đến tháng 4/2010 phải giao trả đất trống cho các chị.

Tiếc công trồng cây đã tới ngày thu hoạch, nếu đốn đi thì uổng phí, ông năn nỉ các chị mua giùm với giá rẻ hơn thị trường, thế nhưng lại bị các chị ép phải bán với giá rẻ mạt, chỉ 30 ngàn đồng/cây. Thấy thiệt thòi quá, ông Dung không chịu bán, các chị bắt ông phải cưa cây trả đất ngay.

 Ngày 22/2/2010, thông qua môi giới, ông Dung bán số cao su trên để người mua cưa về làm đũa với giá 120 ngàn đồng/cây. Hai bên thỏa thuận tạm thời tính 967 cây, giá hơn 116 triệu đồng. Bên mua giao đủ tiền cho vợ ông Dung và làm giấy cam kết chậm nhất ngày 22/3/2010 sẽ cưa cây, nếu không sẽ bị mất tiền.

Cái dở là vì tin tưởng nhau nên vợ ông Dung để bên mua cầm bản chính giấy cam kết, cũng chẳng sao chép lại làm tin, mà đâu biết được khi vụ việc đổ bể ra vì không có tờ giấy đó khiến chồng bà phải mang họa vào thân.

Đến hạn nhưng không thấy người mua đến cưa cây, quá sốt ruột nên hai ngày sau ông Dung thuê người đến cưa. Bất ngờ 3 người chị xuất hiện, đưa ra hai tờ giấy photo nói mình đã mua lại cao su từ người mua thứ nhất.

“Thử hỏi tự dưng 3 người chị lù lù xuất hiện nói đã mua lại cây với giá 160 triệu đồng rồi, dù trước đó tui bán rẻ hơn không thèm mua thì ai mà tin được?”, ông Dung nói.

Vợ ông Dung cho biết: “Tôi nhận ra đấy không phải là giấy giữa tôi và bên mua viết vì tờ giấy bản chính có chữ viết của bên mua đằng sau “thỏa thuận là sau một tháng phải cắt cây, nếu không sẽ mất tiền”. Thế nhưng bản photo do các chị đưa ra lại biến mất dòng chữ này và chữ ký trên đó cũng không phải của tôi. Vì vậy tôi không đồng ý. Tôi nói: “Các chị mua của ai thì đi tìm người đó mà làm việc, vợ chồng tôi đâu bán cho các chị””.

Vợ ông Dung làm bản tường trình gửi UBND xã Tân Bình hỏi việc trên giải quyết ra sao thì xã trả lời “đây là hợp đồng dân sự, ông Dung cứ tiếp tục làm như hợp đồng”. Tại bản tường trình này, vợ chồng ông Dung ra “tối hậu thư” cho bên mua trong 10 ngày phải lên gặp để nói chuyện, nếu không sẽ tiến hành cưa cây.

Đúng 10 ngày sau, ông Dung lại nhờ người đến cưa cao su, mới cưa được 353 cây thì các chị báo công an xã ngăn chặn. Tháng 10/2010, hội đồng định giá tài sản huyện Tân Uyên xác định số cây cao su tại thời điểm bị cưa có giá trị hơn 42,3 triệu đồng.

Người em bị khởi tố, truy tố về tội “hủy hoại tài sản”. Sau khi có cáo trạng, ngày 28/12/2011, bất ngờ ông Dung bị công an huyện bắt giam.

Nhận tội để sớm ra tù… kêu oan!

Đầu tháng 1/2012, TAND huyện Tân Uyên xử sơ thẩm. Tại tòa, ông Dung và luật sư bào chữa lập luận rằng có cơ sở xác định ông Dung không phạm tội vì ngày 22/3/2010, theo giao kết, người mua có nghĩa vụ cưa cây để lấy gỗ nhưng lại không cưa là đã vi phạm hợp đồng.

 Theo hợp đồng, nếu không cưa cây, người mua sẽ bị mất tiền, khi đó lô cao su vẫn thuộc sở hữu của ông Dung, bị cáo có quyền cưa. Xét về ý thức, ông Dung không có mục đích hủy hoại tài sản của ai mà chỉ nhằm giải tỏa mặt bằng để trả đất cho các chị theo bản thỏa thuận chia đất của gia đình.

Số cây cao su theo luật dân sự lẽ ra vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Dung

Thế nhưng viện kiểm sát không chấp nhận và đề nghị mức án từ 18 - 21 tháng tù với ông Dung. Hội đồng xét xử cho rằng sau khi đã nhận đủ tiền về việc bán 967 cây cao su của mình thì ông Dung không còn quyền định đoạt đối với chúng nữa.

Khi người mua bán lại số cao su trên cho các bà Măng, Sáu, Thu thì số cao su đó thuộc quyền sở hữu của các bà này. Việc ông Dung thuê người cưa 353 cây cao su là đã phạm tội hủy hoại tài sản. Ông Dung phải lãnh án 12 tháng tù đúng vào ngày 24 Tết, cái ngày mà mọi người hối hả về nhà sum họp với gia đình.

Ông Dung kháng cáo xin giảm hình phạt. Tại phiên phúc thẩm tháng 4/2012, viện kiểm sát đề nghị chuyển 12 tháng tù giam thành tù treo. Ba người chị của ông Dung lúc này cũng xin tòa giảm án. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ giảm án còn sáu tháng tù. Ngày 28/6/2012, ông Dung chấp hành xong “bản án từ trên trời rơi xuống” và được ra tù.

Khi chúng tôi thắc mắc: “Tại sao trong phiên sơ thẩm ông Dung cho rằng mình không phạm tội mà sau đó xử phúc thẩm lại xin tòa giảm nhẹ hình phạt, không lẽ ông nghĩ mình phạm tội?”.

Ông Dung cười buồn: “Tại bị giam lâu tôi nhớ vợ, thương con nhỏ dại nên muốn ra tù sớm rồi đi kêu oan sau. Với lại tôi sốt ruột vì từ ngày tôi đi tù vườn cao su ở nhà không ai chăm sóc nên bị hư mất bốn hecta, xót của nên tôi muốn được sớm về nhà để chăm sóc cao su, kiếm tiền nuôi vợ con”.

“Khi ông ở tù các chị ông có đi thăm nuôi ông không?”. “Không”. “Ra tù rồi ông và các chị ông có nói chuyện lại không?”. “Không”. “Ông có làm gì để các chị ghét ông không?”. Ông Dung ngập ngừng: “Hổng hiểu tại sao mấy chị ghét mình nữa. Ra tù coi như người xa lạ”.

“Tôi đã nghiên cứu rồi, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Tôi sẽ làm đơn gửi chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để xin giám đốc thẩm nhằm minh oan cho mình. Dù tôi có chết mà chưa được minh oan, vợ con tôi sẽ tiếp tục kêu oan”, ông Dung nói.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm