Hy hữu thanh niên bị súng bắn đinh 'bắn' sâu vào cổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) mới phẫu thuật thành công trường hợp người bệnh bị tai nạn lao động hy hữu do súng bắn đinh gây tổn thương phức tạp bó mạch cảnh.
Hình ảnh: Vùng cổ người bệnh sau phẫu thuật. Nguồn ảnh BV CC
Hình ảnh: Vùng cổ người bệnh sau phẫu thuật. Nguồn ảnh BV CC

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, người bệnh là anh P. T. A (35 tuổi) vào viện với vết thương nhỏ vùng cổ khoảng 2 mm mặt trước bên trái. Người bệnh đã được làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và được chỉ định phẫu thuật

BSCKII. Lê Minh Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Tim mạch (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp), trưởng kíp phẫu thuật cho người bệnh cho biết, người bệnh vào viện không có tình trạng thiếu máu não, không liệt nhưng dị vật là đinh đâm xuyên rất sâu, găm vào đốt sống cổ VII. Động mạch cảnh đoạn cổ nằm cạnh các dây thần kinh X, thực quản và chuỗi giao cảm, do đó ngoài việc lấy dị vật xử trí tổn thương mạch máu còn phải rất lưu ý đến tổn thương dây thần kinh hoặc tránh làm tổn thương dây thần kinh và các tổ chức lân cận trong quá trình phẫu thuật.

Theo Bác sĩ Sơn, ca phẫu thuật đã được tiến hành và thu được kết quả tốt với sự phối hợp của các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Tim mạch và Khoa Phẫu thuật Sọ não – Cột sống. Các bác sỹ đã lấy thành công dị vật, khâu phục hồi tổn thương động mạch, tĩnh mạch cảnh và bảo tồn nguyên vẹn các dây thần kinh.

Cũng theo BSCKII. Lê Minh Sơn, vết thương mạch máu vùng cổ và nền cổ bao gồm vết thương động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh trong, động tĩnh mạch dưới đòn, thân động mạch cánh tay đầu, tĩnh mạch vô danh và động mạch đốt sống không tính đến tĩnh mạch cảnh ngoài chẩn đoán và xử trí thường rất phức tạp. Trong đó, tổn thương động tĩnh mạch cảnh xảy ra trong 1 – 2,6% các trường hợp tổn thương mạch máu nói chung nhưng có tỷ lệ tử vong cao lên tới 30 – 40%.

"Nguyên nhân gây nên vết thương bó mạch cảnh thường do đạn bắn, dao đâm hoặc vật sắc nhọn khác. Trường hợp người bệnh P. T. A là một tai nạn lao động hy hữu, minh chứng cho công tác đảm bảo an toàn lao động là việc hết sức cần thiết", Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Tim mạch (BV Hữu nghị Việt Tiệp) nói.

Bác sĩ Lê Minh Sơn khuyến cáo, việc bảo hộ lao động luôn cần được trang bị đầy đủ tránh những sự cố rủi ro bất ngờ, dù là mảnh kim khí rất nhỏ, tưởng chừng như vô hại, vẫn có thể gây thương tích, thậm chí gây thiệt hại về tính mạng người lao động.

Đọc thêm