Hy vọng lập đường dây nóng không là việc... “đánh bóng thương hiệu“

(PLO) - Không phải tự nhiên gần đây, một số lãnh đạo các địa phương lập đường dây nóng thực sự làm “nóng” dư luận. Có thể kể đường dây nóng tới Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh mở ra được báo giới dõi theo và thông tin với chi tiết “nhân viên làm việc nghe đến… rát tai” đủ thấy người dân tin và muốn gửi gắm vào việc làm đúng đắn này đông đảo đến mức nào.
Ảnh: VOV

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 (khóa XII) vừa kết thúc. Một trong các vấn đề của Chương trình toàn khóa được Trung ương gửi đến toàn dân là “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Lãnh đạo chúng ta đã ngang tầm chưa? Người dân sẽ trả lời: Chưa!

Người dân đã quen với những nhà chính trị mô phạm, nói hay hơn sách nhưng làm việc thì dở. Đầu thế kỷ 20, lãnh tụ V.I. Lê-nin đã đặc biệt lưu ý nguy cơ đối với Đảng cầm quyền là bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, cơ hội chủ nghĩa, kiêu ngạo cộng sản, tham nhũng, hối lộ, xa hoa, lãng phí. 

Tất cả những điều này đang hiện hữu, thực sự đã trở thành thảm họa. Không phải thiếu cơ sở khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) ngày 8/3 đã nhắc lại: “Thật sự vì dân, vì nước thì hãy làm lãnh đạo”.

Hệ thống chính trị đã “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” chưa? Người dân sẽ trả lời: Chưa!

Chúng ta đã có lộ trình gần 45 năm tin gọn bộ máy (tính từ năm 1972) nhưng sau mỗi lần “tinh gọn”, bộ máy càng phình. Phình lớn nhưng không “hiệu lực, hiệu quả”.

Bằng chứng là quản lý nhà nước vẫn là khâu yếu nhất trong việc thực thi vai trò Đảng cầm quyền. Bằng chứng là oan ức, khiếu nại, tố cáo của dân ngày càng diễn biến phức tạp.

Không phải tự nhiên gần đây, một số lãnh đạo các địa phương lập đường dây nóng thực sự làm “nóng” dư luận. Có thể kể đường dây nóng tới Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh mở ra được báo giới dõi theo và thông tin với chi tiết “nhân viên làm việc nghe đến… rát tai” đủ thấy người dân tin và muốn gửi gắm vào việc làm đúng đắn này đông đảo đến mức nào.

Sau “Hiệu ứng Đinh La Thăng”, hiện nay Bình Phước cũng công bố đường dây nóng và địa chỉ email tới Bí thư Nguyễn Văn Lợi; ở Đà Nẵng cũng công bố tương tự tới Bí thư Nguyễn Xuân Anh… 

Chợt nhớ chuyện người dân “đánh trống kêu oan” trong lịch sử. Liệu điều đó có gì liên hệ với việc gọi đường dây nóng, gửi email phản ánh vụ việc tới chính quyền, tới lãnh đạo hiện nay?. Hẳn điểm chung là phát huy và thực hành dân chủ, chống quan liêu, cửa quyền… Chỉ khác là phương thức tiến hành ngày nay thuận tiện và tất nhiên hiện đại hơn rất nhiều.

Với việc lập đường dây nóng, mở toang kết nối thông tin với người lãnh đạo các địa phương (hy vọng sẽ có ở tầm quốc gia) không còn là việc “đánh bóng” thương hiệu của các "quan chức" mà sẽ tạo nên hiệu quả thực tế. Tất nhiên, bộ máy mà chúng ta vẫn gọi là “hệ thống chính trị” phải vận hành hiệu quả (người đứng đầu không thể/và không được “làm thay”). 

Đó là điều người dân hi vọng!

Đọc thêm