IPO VEAM: Hơn 240 nhà đầu tư tham gia, thu về hơn 2.000 tỷ đồng

(PLO) - Gần 90% lượng cổ phần đấu giá trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) của VEAM đã được bán cho hơn 240 nhà đầu tư, thu về hơn 2.136 tỷ đồng.
Phiên chào bán IPO VEAM

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá bán cổ phần Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã hoàn thành với 167 triệu cổ phần được chào bán, hầu hết khớp lệnh ở mức giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phiếu. Cũng có những lệnh đặt mua 15.500-16.520 đồng/cổ phiếu nhưng lượng mua không nhiều. Chốt phiên, có hơn 240 nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá.

Kết quả cũng cho thấy một tổ chức trong nước đã chi tới gần 1.100 tỷ đồng để mua gần 80 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua 30 triệu cổ phần. Như vậy, VEAM vẫn còn khoảng hơn 18 triệu cổ phần chưa được bán hết trong đợt IPO này.

Theo phương án cổ phần hóa, VEAM có vốn điều lệ lên tới 13.288 tỷ đồng, tương đương với 1,33 tỷ cổ phiếu lưu hành tính theo mệnh giá. Nhà nước vẫn nắm giữ 678 triệu cổ phần tại VEAM, chiếm 51% vốn điều lệ, bán ưu đãi cho người lao động là 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn và 167 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá ra công chúng, chiếm 12,57% vốn điều lệ.

Hiện, VEAM nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam. Tổng vốn đầu tư vào 3 đơn vị này ban đầu chỉ 558 tỷ đồng, đến cuối năm 2014 đã tăng gấp 15 lần, lên gần 8.400 tỷ đồng.

Năm 2015, riêng công ty mẹ VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 3.366 tỷ đồng. Lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ các công ty liên kết. VEAM nhận được 3.390 tỷ đồng tiền cổ tức trong năm 2015 thì đến 2.677 tỷ đồng là từ Honda Việt Nam và 678 tỷ từ Toyota Việt Nam.

Thu hút nhà đầu tư nhờ sở hữu cổ phần tại các "đế chế" ngành xe song ngành nghề kinh doanh cốt lõi của công ty là chế tạo động cơ, máy nộng nghiệp chỉ chiếm 15-25% thị phần và đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng Trung Quốc.

Tuy vậy, Trước thực tế thị trường xe máy đang dần bão hòa, trong khi các nhà sản xuất ôtô trong nước gặp rất nhiều khó khăn do lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ thị trường ASEAN thì tình hình kinh doanh của Honda và Toyota sẽ khó có thể thuận lợi như trước.

Dự báo lợi nhuận của VEAM sẽ có xu hướng giảm trong các năm sắp tới. Cụ thể, lợi nhuận trong năm 2016 dự kiến chỉ ở mức 3.500 tỷ đồng, năm 2017 là 3.100 tỷ đồng, năm 2018 là 2.300 tỷ đồng và năm 2019 là 2.400 tỷ đồng.

Với việc Nhà nước thu về 2.136 tỷ đồng từ bán cổ phần của VEAM, và thông tin mới nhất là MobiFone có thể sẽ không tiến hành cổ phần hóa trong năm 2016, đợt IPO của VEAM được cho là đợt IPO lớn nhất trong năm nay./.

Thông tin về cổ đông chiến lược của VEAM hiện vẫn chưa được hé lộ. Vào đầu tháng 8/2015, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) đã có đề nghị được mua 36% cổ phần VEAM, theo phương thức mua trước khi bán đấu giá công khai. Tuy nhiên mức giá đăng ký mua mà Vinamco đề xuất tối đa chỉ 10.050 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể giá khởi điểm của phiên IPO là 14.290 đồng/cổ phiếu. Nếu có thể thành cổ đông chiến lược, Vinamco cần bỏ ra gần 5.000 tỷ đồng đều sở hữu 36% vốn của VEAM.

Vinamco không còn là cái tên quá xa lạ, đầu năm nay doanh nghiệp này đã chi ra 1.250 tỷ đồng để mua lại 97,7% cổ phần của Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải.

Đọc thêm