Mang cả gia đình chạy trốn
Trong những năm đầu thập niên 1990, Lâm Văn Huỳnh (SN 1954, HKTT thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một tư thương chuyên đứng ra thu gom lúa gạo của người dân ở thị xã Cai Lậy để bán cho các nhà máy.
Lợi dụng sự cả tin của nhiều nông dân, “thương nhân” này đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Đối tượng bị Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng Huỳnh mang vợ và 2 con bỏ trốn khỏi địa phương trước khi bị bắt.
Ngày 6/7/1992, Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định truy nã đối với Huỳnh trên toàn quốc. Hồ sơ được chuyển sang PC45 lập kế hoạch truy bắt.
Suốt nhiều năm trời, những trinh sát được giao nhiệm vụ bắt Huỳnh đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, xác minh, rà soát… nhưng gia đình này như bốc hơi không còn dấu vết.
Thời gian qua, rồi những vụ án nóng xảy ra hàng ngày, khiến việc truy tìm Huỳnh tạm thời bị gác lại. Hồ sơ về Huỳnh được xếp vào tủ từ năm này qua năm khác, chuyển qua nhiều người, cứ “lưu cữu” ở mục “những đối tượng truy nã còn đang tìm kiếm”.
Tháng 7/2010, Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định thành lập PC52 (Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm). Hồ sơ Huỳnh được chuyển giao cho Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn. Điều tra viên này kể lại: “Lật những trang hồ sơ đã ngả màu, trong lòng tôi rất lo lắng. Thông tin về đối tượng quá mờ nhạt, gần 20 năm đã trôi qua, nhiều dấu vết đã bị thời gian xóa nhòa”.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nắm địa bàn, trinh sát nhận được thông tin họ hàng đối tượng vẫn còn ở Tiền Giang. Tuy nhiên, nguồn tin cũng cho hay suốt hơn chục năm qua, không ai nhìn thấy Huỳnh hay vợ con trở về quê thăm mẹ.
Cảnh sát nhận định, với việc mang cả gia đình bỏ trốn, nhiều khả năng Huỳnh đã quyết lẩn trốn sâu, không dễ gì mạo hiểm lộ diện. Tuy nhiên “con người sinh ra có tổ tông”, nhiều khả năng Huỳnh vẫn bằng cách này hay cách khác bí mật liên lạc với anh em họ hàng ở Tiền Giang để hỏi thăm tin tức về mẹ.
Mẹ Huỳnh ngày một già yếu. Đến cuối năm 2010, ở tuổi 80, cụ bị bệnh nặng phải nằm một chỗ, cần có người chăm sóc. Vài ngày sau bà trở bệnh, ngôi nhà xuất hiện một người phụ nữ lạ mặt khoảng 30 tuổi. Đi cùng người phụ nữ là 1 người đàn ông và một bé trai, cả 3 tận tình chăm sóc cụ già và ở hẳn trong ngôi nhà trên. Những người kia là ai, ở đâu tới, tại sao đến nhà và chăm sóc bà cụ?
Bằng những những biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát xác định người phụ nữ lạ mặt trên là Lâm Thị Quỳnh, con gái Huỳnh, được cha mang theo khi bỏ trốn.
Gần 20 năm trôi qua, cô bé ngày nào nay đã lập gia đình, có chồng con. Ở một nơi xa xôi nào đó, nhận được tin mẹ ốm nặng, Huỳnh đã cử con gái về chăm sóc bà nội. Thông tin về người phụ nữ này là đầu mối quan trọng để lần ra nơi người cha của chị đang lẩn trốn.
Tuy nhiên, việc cùng cha trốn gần 20 năm, chắc chắn cô gái đã có “ ý thức cảnh giác” cao. Nếu thấy “động”, lỡ đối tượng bỏ trốn lần nữa, càng khó khăn cho quá trình truy bắt.
Dấu vết mong manh
Tiếp tục xác minh, được biết con trai của chị Quỳnh có tên Trần Lâm Đức. Bé Đức sinh năm 2006, thời điểm theo mẹ về quê ngoại mới 4 tuổi. Một ý nghĩ nảy lên trong đầu Đại úy Tuấn: “Bé trai đã 4 tuổi, chỉ 2 năm nữa thế nào bố mẹ cũng phải nộp hồ sơ cho bé vào lớp Một”.
Để trách “bứt dây động rừng”, trinh sát quyết tâm “mật phục” suốt 2 năm trời chờ cậu bé lớn. Đúng như dự đoán, mùa khai giảng năm 2012, bé Đức được gia đình đăng ký nhập học tại địa phương. Tra cứu hồ sơ học bạ nhập học của trường tiểu học bé Đức theo học, trinh sát phát hiện một thông tin quý giá, trong giấy khai sinh, ở mục nơi sinh được ghi là một bệnh viện thuộc TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Sau khi gây án, ông Huỳnh đến Rạch Giá lẩn trốn 20 năm |
Ngược về Rạch Giá, tìm về bệnh viện được ghi trong tấm giấy khai sinh, lục tìm cả ngàn hồ sơ nhập viện của 20 năm trước, cuối cùng trinh sát đã thấy thông tin cần tìm: Địa chỉ của gia đình sản phụ ở TP. Rạch Giá. Đại úy Tuấn thở phào: “ Mất hơn 2 năm mật phục, đọc cả ngàn trang hồ sơ, cuối cùng tôi mới tìm ra địa chỉ của đối tượng”.
Đó là một căn nhà nhỏ, nằm trong khu kín đáo ở 1 góc TP. Rạch Giá. Thời điểm trinh sát bước vào nhà, trong ngôi nhà chỉ có 2 người. Một người đàn bà đang bị ốm nằm ở trên giường, người đàn ông ngồi chăm sóc.
20 năm trôi qua, người đàn ông đã già yếu, tóc muối tiêu, không có nét gì giống với tấm ảnh của người đàn ông trẻ trung được lưu trong hồ sơ. Để xác minh, trinh sát lên tiếng: “Cho hỏi đây có phải nhà bác Huỳnh không?”. Một thoáng do dự, người đàn ông gật đầu.
“Chúng tôi là cảnh sát”. Câu nói của vị khách khiến người đàn ông giật mình. Ông ta đứng như trời trồng một lúc lâu, khi hoàn hồn mới lẩm bẩm: “20 năm rồi, không ngờ các anh vẫn tìm được đến tận đây”.
Tại cơ quan điều tra, ông Huỳnh khai, khi bỏ trốn mang vợ và 2 con trốn về Kiên Giang. Thời gian đầu, lo bị truy bắt, cả gia đình chỉ dám ở trọ tại những khu hẻo lánh, kiếm sống bằng công việc đi làm thuê khắp nơi. Một thời gian thấy im ắng, nhận thấy chỉ mình bị truy nã, lý lịch hồ sơ của vợ con vẫn “sạch”, nên người vợ vốn là giáo viên đã xin nộp hồ sơ vào dạy tại một trường trên địa bàn.
Hai người con của họ cũng được cho đi học. Năm tháng trôi qua, gia đình này hầu như đã “xóa sạch” được vết tích, trở thành cư dân “bản địa” của thành phố biển. Con cái phương trưởng, con gái đầu đã lập gia đình, con trai thứ hai đã học xong đại học, có công ăn việc làm ổn định, người vợ đã nghỉ hưu, ông Huỳnh những tưởng chuyện cũ đã qua.
Không ngờ chỉ từ vài chữ trong tấm giấy khai sinh của cháu ngoại, sau 20 năm chạy trốn, đối tượng trốn nã cuối cùng cũng bị bắt./.