Thời trẻ ăn chơi khét tiếng Nam Bộ
Ở Nam Bộ trước năm 1975, bên cạnh những tôn giáo, giáo phái bản địa sinh hoạt tôn giáo nghiêm túc như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương… còn có một “đạo” khá kỳ lạ là “Đạo Dừa” do Nguyễn Thành Nam, một trí thức đã từng du học Pháp (về nước năm 1935 với tấm bằng kỹ sư hóa học) sáng lập năm 1964 tại cồn Phụng (nằm giữa sông Tiền, thuộc tỉnh Bến Tre).
Nguyễn Thành Nam sinh năm 1910 tại xã Phước Thạnh, tổng An Hòa, quận Trúc Giang (nay là huyện Châu Thành), tỉnh Bến Tre. Xuất thân trong một gia đình giàu có, cha làm chánh tổng, thuở trai trẻ, Nam là chàng trai nổi tiếng hào hoa phong nhã, trong “tứ đổ tường” nghiện 2 thứ là đánh bạc và mê gái.
Bất cứ cô gái nào đã lọt vào mắt xanh của cậu Nam thì khó thoát. Với bề ngoài hào hoa phong nhã lại lắm tiền nhiều của, biết bao nhiêu thiếu nữ trinh trắng đã qua tay Nam, nhưng không có tai tiếng, vì hầu như tất cả cuộc tình do tự nguyện cả hai phía.
Mặc dầu Nam là một tay ăn chơi khét tiếng mà thời đó người ta kháo nhau là chỉ đứng sau hai chàng Hắc, Bạch công tử ở Bạc Liêu, nhưng Nam lại khá thông minh, học giỏi.
Sau khi học hết trường ở quê, Nam lên Sài Gòn học ở trường Taberd, trường Chasseloup – Laubat, đỗ bằng Thành chung. Năm 1928, Nam xuất dương sang Pháp du học tại Rouen về ngành hóa học. Năm 1935, Nam tốt nghiệp kỹ sư hóa học, về nước.
Nhưng dư luận thời đó lại cho rằng Nam qua Pháp chỉ ăn chơi không chịu học hành chi cả, khi về nước chỉ có một giấy chứng nhận học làm xà phòng.
Trong tiểu sử in ra để ứng cử “ Đại Tổng thống ” năm 1971, Nguyễn Thành Nam ghi đã học qua các trường trên đất Pháp: Pensionat des lafaristes tại Lyon, Saint Joseph et Saint Marie tại Canes, Jean Baptiste de la Salle tại Rouen và trường cao đẳng hóa học Rouen. Trong thời gian ở Pháp, “Cậu Hai” đã du lịch qua nhiều thành phố, thủ đô Châu Âu.
Theo một số tài liệu, trong thời gian học ở Pháp, Nguyễn Thành Nam bị thất tình vì thầm yêu trộm nhớ tiểu thư Paulette de Catalie, con của Công tước Henri de Catalie, nhưng cô này không đáp lại.
Sau khi về nước, Nam cưới con gái của một ông Hội đồng giàu có ở đất Yên Luông, Gò Công, sinh được một con gái. Tuy đã có vợ con, nhưng Nguyễn Thành Nam lúc nào cũng tơ tưởng tới mối tình đơn phương với cô tiểu thư người Pháp.
Có lần chúng tôi được những người thân cận của ông Đạo Dừa cho xem mấy mảnh vải màu, trên đó chính tay ông đã viết bằng thuốc đỏ chữ CataliNam, đó là tên ghép của cô đầm mà ông si mê cùng tên ông.
Bà Diệu Ứng, cháu ruột của ông Đạo Dừa, người nhiều năm theo hầu ông cũng khẳng định điều đó và cho biết thêm “Cậu Hai” coi miếng vải đó như “báu vật”, luôn giữ nó bên mình rất cẩn thận.
Phải chăng lần gặp cô công nương tại tu viện cổ La Grande – Chartreuse do thánh Bruno xây dựng từ thế kỷ XI, đến lần cô đồng ý tiếp người thanh niên da vàng tại nhà riêng, kỷ niệm đó mãi mãi không phai mờ trong đầu óc ông, dù ông vẫn bảo “đời sống tinh thần hoàn toàn giải thoát”.
Lên Thất Sơn “tầm sư học đạo”
Nguyễn Thành Nam sau khi du học trở về nước, không làm việc cho chính quyền thuộc địa mà mở xưởng sản suất xà phòng.
Đến năm 1945, bỗng nhiên Nguyễn Thành Nam từ biệt gia đình vợ con, lên Thất Sơn tầm sư học đạo, tu theo hạnh đầu đà, phái tiểu thừa, pháp môn khổ hạnh.
Ông ngồi tại bệ đá trước cột phướn chùa suốt 3 năm, đêm ngày tịnh khẩu, chịu đựng gió sương thân hình chỉ còn da bọc xương.
Sau khi tu ở chùa An Sơn 3 năm, năm 1948, ông trở về Định Tường (nay là Tiền Giang) ngồi tu trên một chiếc thuyền đậu ở mé sông bên bến phà Rạch Miễu.
Năm 1950, ông về lại xã Phước Thạnh dựng đài bát quái bằng thân cây dừa cao 14 mét, đêm đêm lên ngồi tu trên đài, chỉ choàng một manh áo, chịu đựng gió sương.
Cuộc sống tu hành đơn sơ, đạm bạc, thức ăn chỉ là trái cây, chủ yếu là dừa (nên mọi người gọi là “Ông Đạo Dừa”). Mỗi năm ông chỉ tắm một lần vào ngày Phật Đản.
“Thánh địa” Cồn Phụng những năm 1969 |
Năm 1963, ông đến Cồn Phụng nằm giữa sông Tiền, thuộc xã Tân Thạch, quận Châu Thành, tỉnh Kiến Hòa (nay là Bến Tre), xây dựng chùa Nam Quốc Phật. Và tại đây ông chính thức tuyên bố thành lập “Đạo Dừa” vào năm 1964.
Cũng theo tư liệu của ông Dzoãn Tiến Đạt, Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam sính dùng từ, chơi chữ đủ trò. Cách xưng gọi “Cậu” cũng tỏ ta đây là công tử – dân cậu, dân thầy (Maitre), dân giàu sang của đất đồng bằng hào phóng. Theo kiểu Tây, ông đảo họ tên Nguyễn Thành Nam ra Nam Nguyễn Thành.
Sau khi bỏ đài bát quái bằng cây dừa, “Cậu Hai” được một người đàn ông ở Sài Gòn chi tiền xây cho một đài bát quái khác bằng sắt ống nước cao 24 mét, ông giải thích xây bằng ống nước là “để lo việc nước”.
Trong phòng của “Cậu Hai” có hơn 50 tờ lịch mang hình ảnh có chữ “Nam” do ông và đệ tử sưu tầm góp nhặt được, bất kể hình ảnh gì.
“Bầu linh dược” ông luôn mang bên mình, có khi trong ấy chỉ có mấy cái vé hát của rạp Đại Nam! Vậy mà có người lại tin bầu linh dược đó “cải tử hoàn sinh” cho con người.
Khi nghe đồn ông Nguyễn Văn Phương ở Hóc Môn đốn hạ cây gáo, cưa xẻ ra có hình chữ “Nam”, ông Đạo Dừa liền vận động đem miếng gỗ ấy về trưng bày, thờ phụng tại thuyền bát nhã.
Không chỉ có thế, những thanh gỗ khác có vân dáng bóng mờ chữ “Nam” (chữ Hán), ông cũng gom góp, chụp ảnh để quảng cáo cho là “cơ trời đã định với Nguyễn Thành Nam”. Một đệ tử thân cận giải thích thay ông: “Cậu Hai tên Nam muốn mình sẽ là “Vua” nước Nam”.
Được hỏi vì sao ông chọn pháp môn khổ hạnh để tu, ông bảo: “Cuộc đời “Cậu Hai” từ nhỏ đến lớn đã quá sung sướng, lúc nhỏ đi học có người cõng, lớn lên được đi học bên Tây (thời đó đi Tây rất hiếm hoi), ăn uống toàn cao lương mỹ vị không thiếu thứ gì nên “Cậu Hai” chọn tu khổ hạnh để trải nghiệm khổ đau của con người để cứu nhân độ thế”.
(Còn nữa)