Kè hồ để... xây nhà?

Cải tạo, xây dựng hạ tầng, ngăn chặn lấn chiếm là điều cần thiết đối với hồ Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhưng dự án này lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân vì tồn tại nhiều bất hợp lý...
Cải tạo, xây dựng hạ tầng, ngăn chặn lấn chiếm là điều cần thiết đối với hồ Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhưng dự án này lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân vì tồn tại nhiều bất hợp lý...

Theo người dân, việc UBND quận Thanh Xuân thu hồi, giải tỏa nhà của 8 hộ dân thuộc khu nhà ở của cán bộ quân đội để mở đường nối từ đường Hạ Đình vào hồ bắt nguồn từ sự không rõ ràng trong các quyết định của UBND quận này. Cụ thể, các Quyết định số 739 ngày 17/4/2007 và 1252 ngày 11/6/2007 đều ghi tên dự án là “Cải tạo đường thoát nước ven hồ Hạ Đình” thì đến Quyết định 3149 ngày 2/12/2009 lại biến thành dự án “Cải tạo đường và thoát nước ven hồ Hạ Đình”.

“Dự án trên tách thành hai phần độc lập cải tạo đường và thoát nước ven hồ là sai với thực tế ban đầu được phê duyệt. UBND quận Thanh Xuân đã báo cáo sai tên dự án lên UBND TP. Hà Nội và Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị giao 5.994m2 để thực hiện dự án là không đúng sự thật...”, đơn khiếu nại của các hộ dân viết.

Ngày 22/12/2008 Thanh tra TP.Hà Nội có Kết luận Thanh tra số 1375 nêu rõ: “Đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận Thanh Xuân tiếp tục thực hiện đúng quy trình triển khai dự án công viên cây xanh hồ Hạ Đình theo Văn bản số 1369 ngày 16/3/2007 của UBND TP, khẩn tương có văn bản báo cáo thành phố hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1/500 gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc trình UBND TP quyết định”.
Các hộ dân dự kiến bị giải tỏa cho biết, nếu thu hồi đất theo kế hoạch của UBND quận Thanh Xuân thì hàng nghìn m2 đất lấn chiếm này sẽ thành đất mặt đường. Trong khi đó, họ ăn ở ổn định mấy chục năm nay, được cấp sổ đỏ lại bị giải tỏa. Lý do cải tạo đường thực chất là thu hồi đất của các hộ cán bộ quân đội được cấp đất, xây dựng nhà kiên cố 3, 4 tầng để làm con đường mới có mặt cắt rộng 17,5m, điểm đầu nối vào nhà số 8 ngõ 192 phố Hạ Đình thay cho ngách 101 ngõ 342 đường Khương Đình.
Trên thực tế, đường đi hiện tại vào hồ đã rộng tới 5m, xe ô tô có thể ra vào. Trong khi đó, đường Hạ Đình có chiều rộng khoảng 7m không có vỉa hè, người dân đã và đang xây nhà kiên cố từ 3 tầng đến 5 tầng không thể mở rộng. Nếu mở đường để ngách rộng hơn 2,5 lần so với đường phố là lãng phí và chỉ có lợi cho những khu đất lấn chiếm ven hồ. Những khu đất đó của ai, tại sao lại có nhà cấp 4 xây sẵn và có cả đường điện nước là một khuất tất đang gây bức xúc dư luận.

Theo phản ánh của người dân, suốt 4 năm qua các hoạt động như xác định mốc giới, khảo sát thực địa, họp bàn lấy ý kiến người dân… để xây dựng quy hoạch chi tiết cho dự án cải tạo hồ Hạ Đình vẫn chưa được hoàn thiện. Vậy nhưng, ngày 4/6/2011 UBND quận Thanh Xuân có Thông báo số 112 công bố chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án công trình cải tạo và thoát nước ven hồ. Dự án được triển khai khi chưa công bố quy hoạch 1/500.

Ông Phạm Khắc Kiệm, đại diện cho các hộ dân cho rằng để bảo vệ hồ, bảo vệ môi trường chỉ cần một dự án không mấy tốn kém là kè hồ, làm đường 3-4m để đi bộ ven hồ, giải toả dứt điểm các hộ lấn chiếm ven hồ. Còn theo Thông báo 112, hồ Hạ Đình sẽ bị thu hồi khoảng 3.000m2 mặt hồ (10m x 300m) để làm đường ngách rộng tới 17,5 mét thì quá tốn kém, lãng phí và vô lý.

Cải tạo hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng là chủ trương đúng nhưng phải trên cơ sở các quy định của pháp luật và bảo đảm tính khoa học, hiệu quả kinh tế. Thiết nghĩ, UBND TP.Hà Nội cần phải xem xét lại tính khả thi của dự án và chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khiếu nại liên quan tới dự án này.

Lan Phương

Đọc thêm