Kẽ hở lớn trong vụ tạm hoãn THA và đặc xá ở Hải Dương

Kẽ hở pháp luật quá lớn khiến các trường hợp đặc xá có dấu hiệu sai phạm không thể sửa sai và những vụ đặc xá đầy nghi vấn sẽ tiếp tục xảy ra mà không có người nào bị xử lý vi phạm.

Kẽ hở pháp luật quá lớn khiến các trường hợp đặc xá có dấu hiệu sai phạm không thể sửa sai và những vụ đặc xá đầy nghi vấn sẽ tiếp tục xảy ra mà không có người nào bị xử lý vi phạm.

Nghi ngờ và bằng chứng…

Vụ việc bà Phạm Bích Ngà được tạm hoãn thi hành án hình sự vì bệnh “xơ gan cổ chướng” và việc bà Ngà cứ thấy quyết định thi hành án của TAND tỉnh Hải Dương lại phát bệnh đã được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong các số báo ra ngày 8/8/ và 15/9/2011.

Vừa qua, VKSND tối cao đã xác minh các vấn đề Báo phản ánh. Nhưng cơ quan này cho rằng, việc tạm hoãn thi hành án và đặc xá đối với bà Ngà đã đảm bảo đúng trình tực, thủ tục theo quy định. Những “hạt sạn” trong việc của các cơ quan chức năng tạm hoãn thi hành án phạt tù và đặc xá cho bà Ngà thì không được nhắc đến.

Những bằng chứng về sai phạm trong việc tạm hoãn thi hành án đối với bà Ngà khá rõ. Trong lần tạm hoãn thi hành án thứ nhất, bà Ngà được xác định là mắc bệnh “xơ gan cổ chướng”. Kết quả khám bệnh cho thấy, bà Ngà không có sỏi thận nhưng trong biên bản giám định y khoa ngày 16/7/2007, Hội đồng giám định y khoa Hải Dương kết luận bà Ngà mắc bệnh sỏi thận với tình trạng bệnh là “sỏi thận hai bên”.

Đặc biệt, trong ngày 24/7/2007, trại giam Hoàng Tiến có văn bản gửi Cục V26 đề nghị cho bà Ngà hoãn thi hành án thì cùng ngày, Cục V26 cũng có công van số 91/V26(P6) gửi TAND tỉnh Hải Dương đề nghị tạm hoãn thi hành án cho bà Ngà. Trong văn bản này, bệnh trạng của bà Ngà cũng được mô tả là có “sỏi hai bên”. Việc thêm bệnh cho bà Ngà để tăng thêm căn cứ hoãn thi hành án và thủ tục được làm chóng vánh như trên đã cho thấy phạm nhân này được ưu ái đặc biệt và rất không bình thường.

Theo quy định của pháp luật, chỉ tạm hoãn thi hành án đối với phạm nhân bị bệnh nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu tiếp tục chấp hành án tù. Hội đồng giám định y khoa tỉnh Hải Dương không đánh giá tình trạng bệnh tật có nguy hiểm đến tính mạng hay không nhưng bà Ngà vẫn “thoát tù”.

Phạm nhân thoát tù, người liên quan thoát trách nhiệm?

Những lần hoãn thi hành án tiếp theo càng lộ rõ sự không bình thường. Cứ thấy quyết định thi hành án của Tòa là bà Ngà lại vào nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương rồi lấy căn cứ để được hoãn cho đến khi được đặc xá. Sự không bình thường này đã được VKSND tối cao kết luận là đúng thủ tục.

Không chỉ tạm ra khỏi trại giam bằng quyết định tạm hoãn thi hành án mà bà Ngà còn thoát án tù 12 năm bằng quyết định đặc xá của Chủ tịch Nước. Theo quy định của pháp luật, phạm nhân thuộc diện được đặc xá năm 2010 phải có kết quả cải tạo trong năm 2008, 2009 và 6 tháng năm 2010 xếp loại khá.

Bà Ngà không đủ điều kiện này để được đặc xá nhưng vẫn có tên trong danh sách đặc xá năm 2010. Việc làm này khiến cho bản án 12 năm tù thành án hơn 2 năm tù. Nhưng, sai phạm này đã không tìm được người chịu trách nhiệm. Các cơ quan và cá nhân liên quan nhưng đều…vô can sau khi phạm nhân được đặc xá.

Những dấu hiệu về một vụ sai phạm trong việc hoãn thi hành án phạt tù và đặc xá đối với bà Ngà nếu không được làm rõ thì khó tránh được những vụ việc tương tự xảy ra và chính sách nhân đạo của pháp luật về hoãn thi hành án và đặc sẽ bị lợi dụng nhiều hơn nữa.                                                 

Pháp luật đang có những lỗ hổng lớn bị lợi dụng? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa Luật sư, qua vụ việc trên, ông có thấy hiện nay quy định của pháp luật về hoãn thi hành án và đặc xá còn nhiều lỗ hổng và dễ bị lợi dụng hay không?

Tôi cho rằng, quy định về hoãn chấp hành án phạt tù hiện nay khá đầy đủ và chặt chẽ. “Lỗ hổng” nằm ở các quy định về xử lý vi phạm khi người ta cố tình vi phạm và lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật.

Chẳng hạn, người mắc bệnh xơ gan cổ chướng mà trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng chứ không phải là cứ mắc bệnh xơ gan cổ chướng thì được hoãn chấp hành hình phạt tù. Trường hợp mà phạm nhân chỉ hơi mệt, ăn không ngon và phải điều trị bằng truyền dịch, uống vitamin thì với tình trạng bệnh này mà cho hoãn thi hành án là không đúng. Ở vụ việc này, phạm nhân đã được đặc xá nên quyết định hoãn thi hành án là không thể sửa chữa được. Những việc làm sai đã không có cơ quan nào điều tra, xử lý nên chính sách dễ bị lợi dụng.

Theo quan điểm của ông, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật về hoãn thi hành án và đặc xá?

Đây là vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý. Với quy định hiện nay, chỉ cần làm đúng và làm tốt thì sẽ đảm bảo không có vi phạm. Nếu có vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh bằng chế tài kỷ luật hoặc hình sự. Như vụ việc này, VKS có trách nhiệm kiểm tra giám sát, có thể trưng cầu giám định bệnh tật của bà Ngà hiện nay và giám định qua hồ sơ để làm rõ có sai phạm hay không để làm căn cứ xử lý. Nếu không làm như vậy khó mà phát hiện sai phạm và càng khó xử lý sai phạm.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm