Bản Dự thảo kế hoạch xây dựng quân đội và đường lối quốc phòng mới được đưa ra tại một cuộc gặp của các nhà làm luật thuộc Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Phiên bản cuối cùng của đường lối quốc phòng – theo đó vạch ra chính sách quốc phòng của Nhật trong vòng 10 năm tới, và kế hoạch xây dựng quân đội - vốn được biết đến với tên gọi Chương trình quốc phòng trung hạn và có hiệu lực trong vòng 5 năm - sẽ được Chính phủ phê chuẩn và chính thức công bố vào ngày 17/12 tới. Bản kế hoạch được công bố sau khi Trung Quốc hồi tháng 11 vừa qua tuyên bố vùng nhận dạng phòng không mới của nước này, trong đó có bao gồm cả quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Động thái của Trung Quốc đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Tokyo cũng như Washington và Seoul.
Dẫn những quan ngại của Nhật Bản về cái mà Tokyo gọi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, bản Dự thảo đường lối quốc phòng nói rằng Nhật Bản sẽ “phản ứng một cách kiên quyết và bình tĩnh trước việc tăng cường và mở rộng nhanh chóng các hoạt động hàng hải và không gian của Trung Quốc”.
Bản Dự thảo đường lối quốc phòng cho biết Nhật cũng sẽ tăng cường năng lực tổng thể để đối phó với các vụ tấn công tên lửa trong bối cảnh công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang được cải tiến. “Triều Tiên đã lặp đi lặp lại hành vi có thể gia tăng căng thẳng tại khu vực. Việc phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này cùng với những ngôn từ khiêu khích và hành động chống lại chúng ta cho thấy một mối đe dọa gần kề và nghiêm trọng đối với an ninh của nước ta” – bản Dự thảo viết.
Theo Dự thảo kế hoạch xây dựng quân đội, Nhật Bản cũng có kế hoạch mua các máy bay giám sát không người lái và lập một đơn vị máy bay cảnh báo sớm E-2C tại căn cứ Naha. Các đơn vị E-2C, thường được sử dụng để giám sát khu vực xung quanh quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, hiện đang đặt tại căn cứ Misawa.
Theo Dự thảo này, Nhật Bản lên kế hoạch thành lập một đơn vị đổ bộ được chỉ định để lấy lại quần đảo ở phía xa trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược và tăng cường số phi đội máy bay chiến đấu tại căn cứ Naha ở đảo Okinawa, phía Nam nước này lên thành 2 phi đội để duy trì ưu thế trên không. Mỗi phi đội thường gồm 20 máy bay chiến đấu.
Những lo ngại của Nhật Bản về sự trỗi dậy của Trung Quốc và một Triều Tiên khó đoán định cũng được nhắc lại trong bản Dự thảo chiến lược an ninh quốc gia mới của nước này. Bản Dự thảo này kêu gọi “nuôi dưỡng lòng yêu nước” và mở rộng “giáo dục an ninh” tại các cơ sở giáo dục ở cấp học cao. Tăng cường các nội dung về lòng yêu nước trong chương trình giảng dạy là mục tiêu trong một đạo luật giáo dục đã được áp dụng trong giai đoạn 2006 – 2007, khi ông Abe đang ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Ngoài ra, Dự thảo Chiến lược an ninh cũng cho biết Nhật sẽ xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu vũ khí do nước này tự áp đặt. Động thái này được cho là sẽ phục hồi ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản.
Sau khi tái đắc cử tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu đánh giá lại chính sách quốc phòng của nước này, đồng thời cam kết sẽ củng cố sức mạnh quân sự cũng như tăng cường vai trò của Nhật Bản trong an ninh toàn cầu.