Kế hoạch "tay không bắt... nghìn tỷ" của chủ tịch công ty Ba Đình (tiếp)

 Việc ông Nguyễn Tiến Trung sử dụng hợp đồng tín dụng với Cty Ba Đình để rút tiền của  Cty Hapulicco không đơn giản chỉ là “rút vốn”như nhận định của Tòa án mà còn có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật khác.

[links()]
Việc ông Nguyễn Tiến Trung sử dụng hợp đồng tín dụng với Cty Ba Đình để rút tiền của  Cty Hapulico không đơn giản chỉ là “rút vốn”như nhận định của Tòa án mà còn có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật khác.
 

4 tỷ đồng của Hapulico đi đâu?

Như PLVN đã phản ánh, sau gần 1 tháng giữ cương vị Tổng Giám đốc của Cty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico, ông Nguyễn Tiến Trung cùng cấp dưới là bà Phạm Thị Ngọc Trâm đã ký các hợp đồng tín dụng mờ ám, chuyển 45 tỷ đồng ra khỏi tài khoản Cty Hapulico.

Số tiền này thực chất không được chuyển về Cty Ba Đình vì trong báo cáo tài chính năm 2008 của Cty Ba Đình đã không thể hiện các khoản vay theo hợp đồng tín dụng trên. Theo các tài liệu có được trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp cổ đông mà Cty Ba Đình là nguyên đơn, số tiền này được trả cho Cty CP Đầu tư phát triển đô thị và Thương mại (21 tỷ) và Ngân hàng Habubank (20 tỷ); 4 tỷ đồng còn lại được chuyển đi đâu không rõ, trong báo cáo kiểm toán của Cty Ba Đình không thể hiện khoản tiền vay này.

Với “đích đến” của khoản tiền trên không rõ ràng cộng với sự lẫn lộn vai trò của ông Trung (TGĐ Cty Hapulico và Chủ tịch HĐQT Cty Ba Đình) và bà Phạm Thị Ngọc Trâm (thủ quỹ Cty Hapulico, Quyền GĐ Cty Ba Đình) cho thấy hợp đồng tín dụng giữa Cty Hapulico và Cty Ba Đình bản chất không phải là hợp đồng vay tiền hay chỉ là cách thức để ông Trung sử dụng, thậm chí là chiếm hưởng tiền của Cty Hapulico? Rõ ràng ông Trung đã có sự trục lợi từ chức vụ TGĐ mà các cổ đông đã tín nhiệm bầu lên.

Vô tư tiêu tiền của Cty Hapulico

Khi làm TGĐ Cty Hapulico, ông Trung không chỉ ký kết các hợp đồng tín dụng với chính cty của ông mà còn thực hiện nhiều việc làm sai trái khác gây thiệt hại về tài sản và uy tín của Cty Hapulico. Để làm những việc này, ông Trung đã giao cho bà Ngọc Trâm làm thủ quỹ Cty Hapulico nhưng đồng thời với tư cách là Chủ tịch HĐQT Cty Ba Đình, ông Trung đã ký quyết định bổ nhiệm bà Trâm làm Quyền Giám đốc Cty Ba Đình.

Theo thông tin và tài liệu từ Cty Hapulico, trong 6 tháng (từ 3/6/2008 đến 28/11/2008) mặc dù Cty Hapulico không có phát sinh cần chi tiêu bằng tiền mặt, nhưng ông Trung đã lần lượt rút tiền từ ngân hàng về quỹ số tiền hơn 7,2 tỷ đồng để sử dụng. Song các khoản chi tiêu có chứng từ được ký chỉ vẻn vẹn tổng số gần 268 triệu đồng.

Ngoài ra, theo Cty Hapulico, ông Trung lấy danh nghĩa TGĐ Cty Hapulico để chuyển tiền của Cty chuyển vào tài khoản cá nhân của mình để chi tiêu riêng. Trong các ngày 10/11/2008 và ngày 24/11/2008, ông Trung ký 2 ủy nhiệm chi chuyển 106 triệu đồng của Cty Hapulico vào tài khoản của ông Trung tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhành Thành Công. Rõ ràng, với quyền hạn của TGĐ lại có thủ quỹ là nhân viên thân tín, việc ông Trung lấy tiền của cty để chi tiêu như những gì Cty Hapulico phản ánh là điều quá dễ dàng.

 Khi những vi phạm trên bị phát hiện, HĐQT Cty Hapulico đã miễn nhiệm chức danh TGĐ của  ông Trung. Theo phản ánh của Cty Hapulico, sau khi mất chức ông  Trung đã cho người bê cả két bạc và toàn bộ số tiền tồn quỹ hơn 6,9 tỷ đồng của Cty Hapulico về Cty Ba Đình. Mặc dù Cty nhiều lần yêu cầu hoàn trả nhưng tới tận ngày 21/7/2009 bà Trâm mới đem trả gần 6,2 tỷ đồng; Số tiền còn lại và cả két bạc của Cty Hapulico vẫn biệt vô âm tín. Những việc làm trên của ông Trung có phải là tranh chấp thành viên của Cty hay mang dáng dấp của một vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn?                                         

Chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng để làm rõ hơn những khía cạnh pháp lý khác liên quan đến việc sử dụng tiền của ông Trung khi còn là TGĐ Cty Hapulico.

Thưa Luật sư, có người cho rằng việc rút 45 tỷ đồng từ Cty Hapulico là vay vốn như hợp đồng tín dụng đã thể hiện, nhưng Tòa cho rằng đó là hành động rút vốn. Vậy còn cách đánh giá nào khác về vấn đề này nữa hay không?

- Khi  Cty Hapulico được cấp đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ 110 tỷ đồng do cổ đông (trong đó có Cty Ba Đình) góp đủ, thì pháp nhân này sở hữu số tiền là 110 tỷ đồng. Ông Trung được bầu là TGĐ, người đại diện theo pháp luật và được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị giao quyền quản lý, điều hành Cty Hapulico, trong đó có việc quản lý tài sản của Cty.

Việc ông TGĐ bằng chức vụ, quyền hạn của mình đã ký 3 hợp đồng tín dụng với chính Cty do ông Trung là chủ sở hữu là vi phạm Luật Doanh nghiệp. Nhìn vào yếu tổ chủ thể của các hợp đồng tín dụng, có thể thấy ông Trung đã sử dụng hai pháp nhân mà ông ta là đại diện để thực hiện việc rút tiền của Cty Hapulico, doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước. Tôi cho rằng, ở đây có dấu hiệu của hành vi vi phạm luật hình sự, không thuần túy chỉ là tranh chấp dân sự.

Nếu những việc làm của ông Trung có dấu hiệu của tội phạm, theo ông thì những việc làm sai trên dấu hiệu của tội gì?

- Cần phải làm rõ thêm về việc có hay không có việc chiếm đoạt số tiền trên của Cty Hapulico. Nếu số tiền trên đã được TGĐ sử dụng, tiêu sài cá nhân khi Cty yêu cầu tra nhưng không trả thì việc chiếm đoạt cơ bản hoàn thành. Việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc quyền quản lý của mình là có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”. Tội danh này không chỉ áp dụng đối với các cán bộ có chức vụ trong cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước mà còn áp dụng đối với những người có chức vụ trong doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước và cả doanh nghiệp không có vốn nhà nước. Vì thế, Cty bị thiệt hại về tài sản có quyền yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ những việc làm có dấu hiệu vi phạm trên để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.                             

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm