Kế hoạch thiết thực của TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là địa phương có thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ; nông - lâm - thủy sản hiện chỉ chiếm 0,5% GRDP; nhưng mới đây, TP HCM - đô thị đông dân nhất nước lại ban hành một kế hoạch liên quan sản xuất rau, củ, quả.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong kế hoạch triển khai đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ vừa ban hành, TP đặt mục tiêu giá trị sản xuất bình quân thu được trên mỗi ha rau đạt 800 - 850 triệu đồng/năm vào 2030.

Năm 2023, TP có hơn 6.000ha rau, sản lượng 219.400 tấn, trong khi kế hoạch đến 2030 chỉ còn 2.500ha nhưng sản lượng tăng lên 387.000 tấn. Để tiết kiệm diện tích gần 60% nhưng sản lượng tăng 75%, TP sẽ tập trung trồng rau công nghệ cao trên khoảng một nửa diện tích vào 2030.

Theo Cục Thống kê TP, giá trị sản xuất bình quân trên đất sản xuất nông nghiệp nói chung ước đạt 579 triệu đồng/ha vào 2023. Như vậy, kế hoạch này kỳ vọng giá trị mang lại của mỗi ha rau vào 2030 tăng gần 50% so với hiện tại.

TP sẽ phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị rau, liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa DN, HTX và nông dân. Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sẽ đạt đến 40% tổng diện tích. Song song đó, TP sẽ nghiên cứu, phát triển giống, hàng năm chuyển giao 5 - 6 giống rau mới phù hợp nông nghiệp đô thị bên cạnh chuyển giao kỹ thuật canh tác, sơ chế, chế biến và bảo quản.

Kế hoạch trên của TP, được một số ý kiến đánh giá là rất thiết thực và nắm bắt được nhu cầu của thị trường TP, trong nước, cũng như thế giới. Dù rau, củ, quả không phải là thế mạnh của TP, nhưng đất nông nghiệp thì không thể bỏ không và như cha ông ta đã nói, “góp gió thành bão”, mỗi ngành nghề dù ở địa phương nào, nếu phát triển tốt, cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội.

Ở khía cạnh xu thế, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong lĩnh vực rau, củ, quả khi nguồn cung dồi dào, giá thành cạnh tranh. Trong khi đó, El Nino trên thế giới đang khiến mùa vụ thu hoạch của một số nước bị trì hoãn, ảnh hưởng sản lượng cung cấp. Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ 2022 đến nay, xuất khẩu rau, quả chế biến luôn đạt trên 1 tỷ USD. Năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 1,3 tỷ USD. Rau, quả chế biến Việt Nam đã chính thức tham gia vào “câu lạc bộ” tỷ USD của ngành nông nghiệp thế giới. Dự kiến, xuất khẩu ngành này năm 2024 có thể đạt gần 1,6 tỷ USD.

Thời gian qua, nhiều thị trường trên thế giới đánh giá rau, củ, quả Việt chất lượng cao, ngon, giá cạnh tranh. Với công nghệ mới, nguyên liệu chế biến cũng có thời gian bảo quản lâu hơn, giảm lãng phí đổ bỏ. Theo Bộ NN&PTNT, quy mô thị trường rau, củ, quả chế biến thế giới đạt khoảng 392 tỷ USD vào 2025. Việt Nam đã và đang có chỗ đứng trên thị trường này. Vì vậy, kế hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung của TP là rất thiết thực khi kỳ vọng rồi đây có thể sẽ “nhường” nguồn cung của các địa phương khác cho xuất khẩu; để nông dân TP có thể cung cấp nông sản ngay cho địa phương, cũng là một cách góp phần củng cố phát triển vị thế ngành nông nghiệp Việt.

Đọc thêm