Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 3/1, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu ngành phải tập trung cho đổi mới sáng tạo; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; coi đây là động lực mới để xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, kết quả, thành tựu mà ngành NN&PTNT đã đạt được; đóng góp quan trọng vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023. Theo Thủ tướng, ngành NN&PTNT đã xoay chuyển tình thế từ bị động, lúng túng, bất ngờ sang chủ động, kịp thời, sáng tạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức, đạt kết quả cao, một số ngành lập kỷ lục mới. “Năm 2023 là năm được mùa, được giá của ngành NN&PTNT; đạt được thành thích cao hơn năm 2022”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cơ bản nhất trí với các mục tiêu chủ yếu năm 2024 của ngành NN&PTNT, Thủ tướng yêu cầu ngành đặt mục tiêu cao hơn, trong đó, phấn đấu năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5 - 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD trở lên. Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành NN&PTNT kế thừa, phát huy thành quả đã đạt được; triển khai các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành năm 2024 của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Thủ tướng yêu cầu toàn ngành NN&PTNT phải thực sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới; khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới trong phát triển ngành; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là 3 quy hoạch ngành quốc gia về phát triển lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. “Ngành phải có giải pháp cụ thể tháo gỡ những “nút thắt” về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, ngành NN&PTNT phải đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành NN&PTNT đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, bảo đảm một trong những cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng kim ngạch xuất khẩu nuôi trồng thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon, thu về 1.200 tỷ đồng; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao.

Đọc thêm