Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp

(PLO) - Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 23 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hôm qua (24/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam..
Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp

Hội nghị toàn quốc cần tổ chức trước ngày 1/1/2014

Nói về sự cần thiết ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý khẳng định, việc tổ chức triển khai Hiến pháp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc tuyên truyền, phổ biến tập huấn, quán triệt nội dung của Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, tổ chức ở các cấp, các ngành trong năm 2014 và là sự tiếp tục của đợt sinh hoạt chính trị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, được thực hiện phong phú, đa dạng về hình thức tổ chức thực hiện. 
Theo đó, việc giới thiệu phổ biến Hiến pháp được thực hiện bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn như biên soạn sách, hội thảo, tọa đàm, tổ chức thi tìm hiểu về Hiến pháp, đăng tải Hiến pháp trên Công báo, trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức; tổ chức thực hiện các chương mục, chương trình, tin, bài phổ biến Hiến pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước mắt, sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp do UBTVQH chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong tháng 1/2014.
Tuy nhiên, đa số ý kiến thành viên UBTVQH cho rằng cần tổ chức Hội nghị toàn quốc sớm hơn, phải trước ngày Hiến pháp có hiệu lực (1/1/2014) và nhất trí khẩn trương biên soạn tài liệu thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Tham dự phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý thêm, việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc và cả về lâu dài “không nên theo kiểu chỉ nói lại những quy định của Hiến pháp”. 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị soạn thảo Đề án về tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, nêu rõ cách làm, kinh phí bao nhiêu, quản lý kinh phí ra sao... Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đặt vấn đề UBTVQH đứng ra xây dựng cuốn Bình luận Hiến pháp.
Phải có thứ tự ưu tiên trong rà soát văn bản
Cũng theo ông Phan Trung Lý, để triển khai thi hành Hiến pháp thì rất cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp với số lượng 74 văn bản; tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; củng cố hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin Hiến pháp và pháp luật hiện có. 
Việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật theo thứ tự sau: Các văn bản cần được sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành ngay để các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp; các văn bản về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; các văn bản liên quan đến các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp. Bên cạnh đó, tiến hành đồng thời rà soát các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện lại có cách phân loại khác. Theo ông, so sánh giữa quy phạm của Hiến pháp với hệ thống quy phạm hiện hành sẽ phát sinh 3 vấn đề. Cụ thể là, có quy phạm hiện hành trái với quy phạm của Hiến pháp, có quy phạm hiện hành không trái nhưng chưa đầy đủ, cần sửa đổi và có quy phạm của Hiến pháp chưa được quy định trong hệ thống quy phạm hiện hành. Trên cơ sở rà soát này, “loại thứ nhất cần sửa ngay hoặc hướng dẫn ngay để bảo đảm thi hành Hiến pháp, loại thứ hai có thể chậm hơn một chút và loại thứ ba là nhiệm vụ dài hơi” – ông Hiện nhấn mạnh. Thứ tự ưu tiên mà ông Hiện nêu lên được nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ sự tán thành. 
Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là chỉ có 2 loại nội dung. Trong đó, “một loại là thi hành ngay theo Nghị quyết 64 của Quốc hội, không chờ sửa Luật và UBTVQH sử dụng quyền giải thích Hiến pháp. Ví dụ, trước là Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh địa giới hành chính, nay là UBTVQH, Chính phủ lấy ý kiến nhân dân và trình UBTVQH xem xét, quyết định; hay việc phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng thì Thủ tướng trình, Chủ tịch nước xem xét, quyết định... Loại còn lại là các văn bản cần rà soát xem xét, có thể theo quy trình một luật sửa nhiều luật” - Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo. 
Ông cũng cho rằng cần ban hành Nghị quyết của UBTVQH về hướng dẫn hiệu lực thi hành Hiến pháp và thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác để tham mưu, giúp việc cho UBTVQH nhằm đôn đốc, điều hòa, phối hợp trong thực hiện Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. 

Đọc thêm