Kê khai tài sản thường “thiên biến vạn hóa”

(PLO) -Trao đổi về vấn đề cử tri quan tâm trong công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, kê khai tài sản, công khai tài sản và kiểm soát tài sản của cán bộ đúng là việc khó vì nó “thiên biến vạn hóa”, nhiều biến tướng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri TP. Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri TP. Hà Nội.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại quận Hòa Kiếm và quận Ba Đình sáng nay (8/10), nhiều cử tri cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn khiêm tốn, việc xử lý một số vụ án tham nhũng còn chậm, việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc còn lúng túng. 

Trao đổi về vấn đề này, Tổng Bí thư nhận định, kê khai tài sản, công khai tài sản và kiểm soát tài sản của cán bộ đúng là việc khó vì nó “thiên biến vạn hóa”, nhiều biến tướng. Bên cạnh đó, nó còn liên quan tới quyền bí mật tài sản của công dân. Do đó, khi sửa luật Phòng chống tham nhũng thì phải tính để đồng bộ.  “Công dân có quyền bí mật tài sản nhưng về mặt tiêu cực là đôi khi bí mật thì lại không kiểm soát được dẫn đến việc tham nhũng”- Tổng Bí thư nêu vấn đề.

Giải thích việc các vụ án tham nhũng làm có chậm hay không? Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian qua đã khắc phục rất nhiều. Trước đây, nhiều vụ việc để chìm xuồng nhưng những năm gần đây thì làm đến nơi đến chốn, công khai hết. Quy trình xem xét xử lý phải qua các bước, các khâu rất phức tạp, phải có chứng cứ, nhưng nhiều vụ đã xử lý sớm hơn so với yêu cầu...

Nhắc đến việc tại Hội nghị Trung ương 8 đã xử lý kỷ luật các ông Trần Văn Minh và Nguyễn Bắc Son, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây mới chỉ là xử lý về mặt Đảng, còn xử lý về mặt hành chính vẫn phải làm tương ứng, đồng bộ với kỷ luật về Đảng, nếu đến mức phải xem xét hình sự thì lại đưa ra xử lý hình sự.

Theo người đứng đầu Đảng ta, thu hồi tài sản trước đây là khâu yếu, án treo nhiều nhưng bây giờ đã khắc phục được. Riêng Vụ AVG đã thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng,.. “Khi đã thu hồi được tài sản thì phải giảm nhẹ cho họ. Mục đích cuối cùng là phải thu hồi được tài sản cho Nhà nước, phải giáo dục, răn đe, ngăn ngừa không để xảy ra, để người khác nhìn vào đó cảm thấy sợ, không dám vi phạm”- Tổng Bí thư nói./.

Cũng trong ngày 8/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Đức Hòa (Long An).

Cử tri bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua; đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sự răn đe. Cử tri cũng mong muốn các cấp, các ngành tăng cường thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách bền vững; quản lý chặt chẽ nợ công theo hướng ngày càng thu hẹp, không để tạo sức ép lên nền kinh tế...

Tiếp thu, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng các đại biểu Quốc hội cho biết sẽ chuyển những kiến nghị này đến Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Phó Thủ tướng Thường trực cũng thông tin thêm: thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quyết tâm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thể hiện qua việc nhiều vụ án lớn được phát hiện, từng bước đưa ra xét xử, như vụ xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, vụ Vũ "nhôm"… Thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác này nhằm đảm bảo sự trong sạch và hoạt động hiệu quả của bộ máy.

  Về vấn đề nợ công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, nợ công được kiểm soát rất chặt chẽ trong ngưỡng an toàn. Chính phủ cùng các bộ, ngành đang thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm nợ công, đồng thời đảm bảo các yếu tố đầu tư phát triển, thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Đọc thêm