Tại phiên tòa, đại diện VKSND quận Thanh Xuân khẳng định, hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng, cùng lúc phạm vào 3 tội khác nhau. Hành vi của bị cáo không chỉ gây thiệt hại sức khỏe, tinh thần cho gia đình nạn nhân mà còn gây mất trật tự trị trên địa bàn.
Sau khi phân tích hành vi phạm tội của bị cáo, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt Trần Thanh Bình từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”, từ 8 tháng đến 12 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và từ 16 tháng đến 18 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Tổng hợp hình phạt là từ 9 năm đến 10 năm tù giam về cả 3 tội danh bị đưa ra truy tố.
Sau nửa ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm TAND quận Thanh Xuân khẳng định cáo trạng truy tố đối với bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật; lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại cũng như kết quả điều tra. Hành vi của bị cáo đã không chỉ xâm phạm đến sức khỏe, tài sản, tinh thần của gia đình bị hại mà còn gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Do đó, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo thì mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.
HĐXX TAND quận Thanh Xuân đã tuyên phạt Trần Thanh Bình 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”, 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 18 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luât”. Tổng hợp hình phạt cả 3 tội danh, hung thủ khống chế con tin tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc phải chấp hành chung là 9 năm 3 tháng tù giam
Theo hồ sơ vụ án, giữa tháng 8/2014, sau khi xin tạm nghỉ việc ở công ty kho vận đá bạc ở TP Uông Bí, Quảng Ninh, Bình lên Hà Nội tìm việc làm khác.
Khi đi, Bình mang theo 4 triệu đồng tiền mặt, khẩu súng ngắn bắn đạn bi, 1 băng tiếp đạn; 15 túi nilon đựng đạn bi; bình xịt hơi cay; gậy sắt; dao nhọn và thuê phòng trọ ở số 35 ngõ 61 Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Đến ngày 15/9/2014, Binh tiêu xài hết tiền nên nảy sinh ý định đi cướp tài sản. Bình mang theo dao và đi xe buýt sang lang thang ở khu vực quận Thanh Xuân tìm sơ hở của người dân để cướp tài sản.
Khoảng 1h ngày 16/9/2014, Bình đi đến khu E, tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, đi lên chiếu nghỉ tầng 4 cầu thang nhà E6 để ngủ. Đợi đến 5h45 cùng ngày, bà Đỗ Thị Ánh Hồng (SN 1966, ở phòng 401) mở cửa để đi chợ. Bình nghe thấy tiếng động và nảy sinh ý định dùng dao khống chế bà Hồng để chiếm đoạt tài sản.
Nghĩ là làm, Bình rút dao ra và yêu cầu mà Hồng phải đứng im không được kêu cứu. Nhưng do hoảng sợ, bà Hồng bị ngã ra bậc cầu thang rồi kêu cứu. Nghe tiếng bà Hồng kêu cứu, bà Đỗ Thị Mai Hương (chị gái bà Hồng) ở phòng 401 chạy ra mở cửa.
Thấy vậy, Bình vừa gí dao vào cổ vừa kéo bà Hồng vào nhà và quát mọi người vào trong nhà đóng cửa lại. Lúc này, trong nhà bà Hồng còn có bà Đỗ Thị Bích Hạnh – chị gái bà Hồng, cháu Phạm Đỗ Tùng Lam và cháu Phạm Đỗ Mộc Lam (con gái bà Hồng). Thấy có đông người, Bình không thể chiếm được tài sản nên bỏ ý định này và quay sang yêu sách muốn gặp người nhà để nhằm thoát tội cướp tài sản.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CQTP Hà Nội là người trực tiếp đến nói chuyện và giải thích cho đối tượng biết hành vi của hắn đang làm là vi phạm pháp luật. Nếu chịu thả các con tin, ra làm việc với cơ quan Công an sớm để khai báo thành khẩn thì sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật, nhẹ tội hơn.
Bình yêu cầu được gặp vợ con rồi mới ra đầu hàng. Nhưng tướng Chung kiên quyết yêu cầu hắn ra sớm để được giảm nhẹ tội.
Với tư cách Giám đốc Công an TP, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đảm bảo sẽ cho hắn gặp vợ con khi về cơ quan Công an.
Chỉ sau khoảng 7 phút thì Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thuyết phục được hoàn toàn tên bắt cóc con tin. Hắn đã chấp thuận đi theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung xuống tầng 1 và được đưa lên chính chiếc xe của Giám đốc Công an TP Hà Nội chạy về trụ sở số 7 Thiền Quang./.