Kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình

(PLO) - Năm 2018, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tiếp tục xác định đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của quân đội nhằm thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và TS. Joseph H.Felter tại đối thoại quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2017 trụ sở Lầu Năm Góc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và TS. Joseph H.Felter tại đối thoại quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2017 trụ sở Lầu Năm Góc.

Năm 2018, xu thế vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển, nhưng tình hình sẽ có những diễn biến phức tạp. Các nước lớn tiếp tục triển khai chiến lược, chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo chiều hướng đã định hình từ cuối năm 2017. Trong đó nổi lên Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hạt nhân là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia; Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, thúc đẩy chiến lược “Vành đai và Con đường”, thực hiện thắng lợi “Mục tiêu 100 năm”, vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, đóng vai trò chủ đạo và có tiếng nói mang tính quyết định đối với các vấn đề toàn cầu...

Quan hệ giữa các nước lớn cơ bản theo chiều hướng năm 2017, chưa có nhân tố mới có thể tạo đột phá; sự cạnh tranh chiến lược và tập hợp lực lượng sẽ gia tăng. Cục diện châu Á-Thái Bình Dương đang trong sự dịch chuyển về cân bằng quyền lực và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Những vấn đề phức tạp về chính trị, kinh tế, an ninh của một số nước ASEAN và tác động từ các nước lớn sẽ ảnh hưởng đến lập trường chung của Cộng đồng, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông...

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh -Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Đối với đất nước, quân đội, năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X; năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”...; năm đầu triển khai thực hiện Đề án “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”... Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị đang có khí thế mới, quyết tâm chính trị rất cao trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. 

Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Công tác ĐNQP cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết, Đề án chiến lược của Đảng, Nhà nước; thực hiện Chỉ thị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương cuối năm 2017: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐNQP... Đây không phải là ngoại giao đơn thuần, mà là đối ngoại để làm nhiệm vụ quốc phòng, là giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Làm có chiều sâu, có trọng điểm, có bài bản, có kế hoạch...”.

Để thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu nêu trên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, công tác ĐNQP cần chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về hội nhập quốc tế và ĐNQP, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và triển khai thực hiện công tác ĐNQP theo đường lối đối ngoại của Đảng. Tập trung xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch “Hội nhập quốc tế và ĐNQP giai đoạn 2018-2020”, Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Kế hoạch trong lĩnh vực quốc phòng chuẩn bị cho Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và các kế hoạch hợp tác với các đối tác khác, bảo đảm mọi hoạt động có liên quan trong toàn quân phải được đưa vào kế hoạch thống nhất...

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả thiết thực; ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước có biên giới liền kề, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống. Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm kế hoạch đối ngoại, hợp tác quốc phòng nhằm củng cố, tăng cường lòng tin, tạo đan xen lợi ích chiến lược, nâng cao tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, như: Tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; an ninh biển; đào tạo nguồn nhân lực (cả khoa học, công nghệ, chuyên môn, ngoại ngữ); nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác về công nghiệp quốc phòng... Trên cơ sở đó, lựa chọn nội dung hợp tác cụ thể phù hợp với quan hệ tổng thể, thế mạnh của từng đối tác.

Trong đó, công tác ĐNQP biên giới tiếp tục là một trọng điểm, cần phát huy kết quả năm 2017, bổ sung, phát triển nội dung, hình thức mới; chú trọng một số trọng tâm: Tổ chức triển khai hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới lần thứ 5 với Trung Quốc tại tỉnh Cao Bằng đạt kết quả tốt; tổ chức đoàn thăm và giao lưu giữa Quân khu 1 với Chiến khu Nam của Trung Quốc; tổ chức tốt Diễn tập tìm kiếm cứu nạn xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia, rút kinh nghiệm mở rộng với các đối tác khác; phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thành cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia trong năm 2018...; tổ chức giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc với một số nước khác...

Ba là, chủ động tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN, do ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Triển khai công tác chuẩn bị trong lĩnh vực quốc phòng (cả nội dung, chủ đề hội nghị, nhân lực và cơ sở hạ tầng) cho Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tích cực, chủ động tham gia, phát huy vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn, cơ chế an ninh, quốc phòng khu vực, nhất là cùng các nước ASEAN và Trung Quốc xây dựng COC có tính ràng buộc pháp lý...

Bốn là, tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế của Bộ Quốc phòng (Ban Chỉ đạo 806); kiện toàn tổ chức, biên chế của các cơ quan, đơn vị chuyên trách, nòng cốt về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; trước mắt là Cục Đối ngoại, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về công tác ĐNQP. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức thông tin, tuyên truyền như: Báo chí, phát thanh, truyền hình, báo cáo viên, phim tư liệu... bằng các thứ tiếng cho mọi tầng lớp xã hội, trong và ngoài nước, nhất là học sinh, sinh viên. 

Đọc thêm