Kéo giảm tai nạn giao thông: Càng quyết liệt, càng thắng lớn

(PLVN) - Tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, diễn ra tại Hà Nội mới đây, đã ghi nhận những kết quả đạt được trong việc kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người bị thương, số người tử nạn), đặc biệt từ năm 2011 đến nay.
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, năm 2011 số người chết do TNGT là 11.400 người thì đến năm 2020 giảm xuống còn 6.700 người; trong khi số phương tiện giao thông cơ giới tăng hơn gấp đôi; từ 35,8 lên 72 triệu.

Tại cuộc họp, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đây là nỗ lực rất lớn của cả Trung ương và địa phương; vì việc thay đổi tư duy, ý thức của người dân là việc rất khó; trong khi hạ tầng giao thông tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa theo kịp nhu cầu và đang đối mặt với ảnh hưởng nhanh và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Để công tác bảo đảm ATGT ngày càng được hiệu quả, thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một trong các yêu cầu là các lực lượng chức năng quyết liệt hơn trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, ATGT; vì thực tiễn cho thấy cứ "làm quyết liệt là chúng ta thắng".

Chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng là hoàn toàn chính xác. Xét riêng về khía cạnh liên quan vi phạm nồng độ cồn; thì theo báo cáo của Cục CSGT (Bộ Công an), số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, lực lượng chức năng trong đợt ra quân kiểm tra xử lý từ 31/8 đến nay đã thực hiện đúng nguyên tắc "không có ngoại lệ, không có vùng cấm".

Trong đợt ra quân này, có những vụ xử lý mà dư luận xã hội rất quan tâm. Đó là 5 cán bộ, chiến sĩ công an (tại 3 địa phương) bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn khi lái xe và bị xử phạt. Chánh Văn phòng HĐND TP và Chánh Văn phòng Sở Ngoại vụ một tỉnh phía Bắc cũng phải ký biên bản vi phạm. Một Thượng tá quân đội cũng không thể biện hộ cho vi phạm “đã rượu, bia mà vẫn lái xe” của mình.

Nghiêm ngặt hơn nữa, khi lực lượng chức năng phát hiện một Bí thư Huyện ủy của một tỉnh Nam Trung Bộ vi phạm nồng độ cồn, hành vi này cũng không được “nể nang, bỏ qua”. Tại một tỉnh miền Trung, tối 16/9, Tổ công tác của Bộ Công an phối hợp cùng Công an địa phương, khi kiểm tra các tài xế lưu thông trên đường, phát hiện Chủ tịch UBND một huyện, đồng thời là Trưởng Ban ATGT huyện, có nồng độ cồn khi đang ngồi sau vô lăng. Dù vị cán bộ này cho biết buổi trưa hôm đó nhà ngoại có việc, nên uống chút bia, và nghĩ rằng đến tối thì đã hết nồng độ cồn, mới cầm lái; nhưng lý do này cũng không được lực lượng chức năng chấp nhận. Luật là luật, máy đo đã hiển thị thông số, thì không có ngoại lệ.

Khoa học đã chứng minh rượu, bia gây ra hậu họa kinh hoàng với người chạy xe. Thực tế thời gian qua đã chứng minh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người vi phạm; kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; là giải pháp rất hữu hiệu, có tác dụng giáo dục, răn đe trực tiếp, làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông theo hướng ngày càng tốt hơn. Vì vậy, như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nói, cứ "làm quyết liệt là chúng ta thắng", là hoàn toàn chính xác.

Đọc thêm