“Kéo vợ” từ góc nhìn của thanh niên người H’Mông

(PLVN) -  Sau khi mạng xã hội “dậy sóng” với video một thanh niên đang cố “kéo vợ” bất chấp sự phản đối của cô gái, nhiều ý kiến cùng bức xúc cho rằng đây là hủ tục cần xóa bỏ, thậm chí xa hơn nữa có những bình luận mang tính chất kỳ thị, định kiến với cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và người H’Mông nói riêng.
Ảnh minh họa

Để hiểu hơn về văn hóa H’Mông cũng như rộng đường dư luận, mới đây Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã có cuộc thảo luận cùng 5 thanh niên người H’Mông. Nội dung thảo luận phần nào giúp cộng đồng hiểu rằng “kéo vợ” có phải là một hủ tục cần phải loại bỏ hay không, hay đơn thuần như những truyền thống khác khi bị tách khỏi bối cảnh và ý nghĩa ban đầu thì người thực hành không thực sự hiểu để rồi hành động không phù hợp?

“Bắt vợ” là một hành động không được khuyến khích và bị phạt vạ rất lớn

“Theo giải thích từ truyện cổ của người H’Mông ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, việc “kéo vợ” dành cho các đôi trai gái yêu nhau mà chàng trai không đủ tiền đi xin dâu nên hai người hẹn ước đến với nhau thông qua “kéo vợ”. Trong tiếng Mông, tục “kéo vợ” được gọi là “Coj nyaab” - nghĩa là đi đón, mang cô dâu về. Cách tiến hành tục lệ mỗi vùng một khác và có những cấp độ khác nhau.

Thực tế tục “kéo vợ” giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng người H’Mông. Càng được kéo nhiều lần, người phụ nữ H’Mông càng tự hào, vì phải xinh đẹp, giỏi giang lắm mới được kéo nhiều lần. Khi sống với chồng, nếu có lúc chồng đối xử không tốt, cô gái có quyền nói với người chồng là “anh kéo tôi về chứ có phải tôi tự về với anh đâu mà anh đối xử với tôi như vậy”.

Tuy vậy, vẫn tồn tại những cấp độ khác như “bắt vợ, cướp vợ” - là tìm cách đưa cô gái về mà không có sự đồng ý của họ. Việc bắt ép, cưỡng đoạt cô gái về làm vợ mình như trong các video là một hình thức mà văn hóa H’Mông không khuyến khích.

Cả 5 thanh niên người H’Mông trong cuộc trao đổi bao gồm Tuam Khaab ở Mù Cang Chải, Giàng A Bê ở Văn Chấn, Yên Bái, Lồ Thùy Dung ở Bắc Hà, Lồ Thị Sáy ở Sa Pa, Lào Cai và Mùa Thị Mua ở Nậm Pồ, Điện Biên đều cho rằng “bắt vợ” là một thực hành không được khuyến khích và bị phạt vạ rất lớn.

Điều này cũng được nhắc tới trong cuốn sách “Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’Mông”, tác giả Nguyễn Mạnh Tiến có tổng hợp các mức độ: bắt/cướp vợ theo những quy định khác nhau, hình phạt khác nhau.

“Thường những người biết chắc người ta không tới với mình mới bắt vợ như thế” – cô gái Lồ Thị Sáy nêu quan điểm. Với người Mông, “Coj nyaab” là một giai đoạn để tiến tới hôn nhân, là cơ hội đến với nhau một cách tự do, cũng để cô gái có thời gian quan sát gia đình chàng trai và đưa ra lựa chọn cuối cùng. Nếu cô gái tố cáo đoàn “kéo vợ” có hành vi không tốt hoặc thời gian ở nhà chàng trai cô gái bị ép ngủ với cậu trai, không được đối xử tử tế - gia đình nhà trai sẽ bị phạt vạ rất lớn, theo Lồ Thị Sáy.

Cũng theo các thanh niên người H’Mông tham gia trao đổi, trong khi thực hành “kéo vợ”, bố mẹ của cô gái vẫn là người có quyền quyết định tối cao để ngăn cản việc con mình bị bắt. Việc “kéo vợ” thường có thỏa thuận trước nên bố mẹ không can thiệp. Còn khi bị “bắt vợ”, bố mẹ thường tới tận nhà chàng trai để đòi con gái về.

Hoặc sau 3 ngày “kéo vợ”, chàng trai vẫn phải qua nhà bố mẹ cô gái để “xin cưới”. Hành động xin – nghĩa là vai trò quyết định có được cưới hay không vẫn nằm ở bố mẹ cô gái. Liên hệ tới video tại Hà Giang, nếu thực sự nếu bố mẹ đã ngăn cản mà chàng trai trong video vẫn nhất quyết kéo về thì đó là một hành động bắt/cướp vợ - không theo tập tục hôn nhân của người H’Mông.

Lý giải về hành động bắt/cướp vợ, theo chàng trai Tuam Khaab, việc bắt vợ hiện tại diễn ra một phần do môi trường học về văn hóa H’Mông của các thanh thiếu niên không nhiều. Các em đi học sớm, học nội trú xa nhà, tách khỏi môi trường văn hóa H’Mông. Thời gian được truyền đạt văn hóa từ người đi trước và để nhận thức về văn hóa của mình rất ít. Ở trường, các em chủ yếu học về văn hóa qua giáo viên và truyền thông. Trên truyền thông hiện nay, hình ảnh về “kéo vợ” đa phần mang tính bạo lực ảnh hưởng tới hành động của các em.

Cần có sự điều chỉnh của pháp luật nếu luật tục biến tướng tiêu cực

“Không nên chỉ vì phẫn nộ mà coi kéo vợ là hủ tục” – đó là quan điểm của PGS.TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số tại miền núi phía Bắc. Theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, trong tập tục “kéo vợ” của người H’Mông mang nhiều ý nghĩa. Một là, nói lên giá trị của những con gái rất tốt về nhiều mặt. Hai là, sự ứng xử hiệu quả trước nạn thách cưới cao.

“Để hạn chế nhận thức sai lệch nên có những quy chế chung cho cả cộng đồng về luật tục này. Theo đó, nếu là biểu hiện “cướp vợ” phải được can thiệp, phải xử lý. Còn nếu là “kéo vợ”, hai bên trai gái đều đồng ý thì phải được tôn trọng. Luật tục “kéo vợ” của người H’Mông khi có sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực phải có sự can thiệp của luật pháp. Những người phá vỡ, làm biến tượng luật tục đẹp này cần phải bị răn đe” - PGS.TS Trần Hữu Sơn nêu quan điểm.

Được biết, trên mạng xã hội các bạn trẻ người H’Mông cũng đã có một cuộc thảo luận về tục “kéo vợ”. Nhiều ý kiến được đưa ra, như tăng cường giáo dục trong tộc người và ngoài tộc người về tục “kéo vợ” và phần lớn có chung một ý kiến là không nên tiếp tục thực hành “kéo vợ” nếu như phong tục truyền thống tốt đẹp đó không được tôn trọng.

Như vậy, có thể thấy, việc quyết định thực hành “kéo vợ” nữa hay không nằm ở phía người H’Mông. Những quan niệm đang thay đổi, quyết định thực hành văn hóa được chia đều cho từng cá nhân trong cộng đồng. Tin rằng, người H’Mông ở mỗi địa phương và mỗi thế hệ có những cách điều chỉnh riêng phù hợp với cuộc sống và luật pháp hiện hành.