Kết nối hạ tầng phát triển dịch vụ logistics tại miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương xác định phải đến tận nơi, tìm hiểu đặc trưng, đặc thù thực trạng cũng như định hướng phát triển logistics của từng địa phương, đặc biệt là tính liên kết vùng miền ở mỗi khu vực...
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Trưởng đoàn mới có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về xây dựng đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2045.

Thông tin về tình hình phát triển dịch vụ logistics của Đà Nẵng, bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, thành phố đã phát triển dịch vụ logistics khá đa dạng cùng với dự phát triển các hạ tầng logistics tương đối hiệu quả so với các tỉnh thành khác trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, chất lượng các dịch vụ này chưa cao so với thực tế.

Trong định hướng phát triển dịch vụ logistics, thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm logistics lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Để hoàn thành mục tiêu này, Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công Thương thống nhất, ủng hộ, hỗ trợ thành phố trong việc kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù gồm: thống nhất chủ trương cho phép hình thành khu phi thuế quan về thương mại dịch vụ, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan phục vụ sản xuất – xuất khẩu; thống nhất chủ trương cho phép thực hiện thí điểm bổ sung dự án phát triển hạ tầng logistics vào danh mục dự án thu hồi đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng logistics.

Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Công Thương thống nhất ủng hộ, hỗ trợ thành phố trong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo để hình thành tuyến cao tốc kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với hành lang kinh tế Đông Tây qua cửa khẩu Lao Bảo; chỉ đạo triển khai nghiên cứu đầu tư mới, nâng cao các tuyến đường bộ kết nối các cửa khẩu khác trên Hành lang kinh tế Đông Tây (cửa khẩu La Lay) và Hành lang kinh tế Đông Tây 2 qua cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam); tạo điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng tham gia nhiều hơn các chương trình, định chế hợp tác song phương, đa phương gắn với hành lang kinh tế Đông Tây; có cơ chế khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam tăng cường, mở rộng đầu tư tại các địa phương trên hành lang kinh tế Đông Tây.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh việc xây dựng đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics sát thực tiễn sẽ làm cơ sở để xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách cụ thể cho phát triển dịch vụ logistics về sau.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh việc xây dựng đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics sát thực tiễn sẽ làm cơ sở để xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách cụ thể cho phát triển dịch vụ logistics về sau.

Đồng thời, Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ thành lập Tổ công tác/Ban chỉ đạo phát triển dịch vụ logistics cấp Vùng, cấp quốc gia (với sự tham gia của các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông – Tây) để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, sau khi Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam được thông qua cần thiết xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển logistics. Thể hiện cụ thể qua các Nghị quyết, nghị định.

“Đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cho địa phương về quản lý hoạt động dịch vụ logistics, có cơ chế, chính sách hỗ trợ dịch vụ logistics phát triển bởi thực tế hiện nay chưa có cơ chế hỗ trợ nào nên ngành Công Thương địa phương rất lúng túng”, bà Phương nói.

Tại buổi làm việc, đồng tình với nhiều đề xuất của Đà Nẵng, đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị các Bộ Công Thương quan tâm hoàn thiện hạ tầng, nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và hành lang kinh tế Đông Tây 2.

Xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics sát thực tiễn làm cơ sở cho những cơ chế, chính sách logistics về sau.

Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng cho biết, vấn đề khó mà dịch vụ logistics Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như Thừa Thiên Huế đang gặp phải đó là “cầu” – nguồn hàng. Nguồn hàng này phải đến từ thị trường Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, kết nối nguồn hàng từ Ấn Độ Dương… Muốn thu hút các nguồn hàng này phải có chính sách vượt trội. Trong Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2045 cần thiết đề cập và đưa vấn đề lập khu phi thuế quan, khu thương mại từ do vào. Sau khi chiến lượng được thông qua cần phải được thể chế hóa bằng các chính sách. Có như vậy mới tạo động lực để logistics phát triển, tăng tính cạnh tranh cho dịch vụ logistics miền Trung.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao những thông tin, dữ liệu và cũng như các đề xuất, góp ý, kiến nghị của Đà Nẵng cũng như tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế trong hoàn thiện đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề xuất của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2045 cũng sẽ bổ sung thêm các xu thế mới trong phát triển dịch vụ logitics như các vấn đề về môi trường, logistics xanh, số hóa và chuyển đổi số - vấn đề tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics. Đồng thời mong muốn sau buổi làm việc các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế sẽ tích cực phối hợp cung cấp thêm các thông tin dữ liệu cụ thể hơn về thực trạng phát triển dịch vụ logistics địa phương để xây dựng đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics gần thực tiễn nhất.

Thứ trưởng nhấn mạnh thêm, để xây dựng đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam sát thực tiễn nhất, Bộ Công Thương xác định cần phải đến tận nơi, tìm hiểu đặc trưng, đặc thù thực trạng cũng như định hướng phát triển logistics của từng địa phương, đặc biệt là tính liên kết vùng miền ở mỗi khu vực.

Đến năm 2025, vấn đề đầu tư, quy hoạch các địa phương, vùng, quy hoạch quốc gia; quy hoạch chiến lược ngành, lĩnh vực cũng hoàn thành. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics kịp thời sẽ kịp tích hợp vào các quy hoạch.

“Việc xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics là cần thiết làm nền tảng và là bước đầu tiên để làm cơ sở tiến đến những bước tiếp theo như xây dựng cơ chế, chính sách để tạo động lực cho phát triển logistics”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Đọc thêm