Nỗi đau chất chồng
Một buổi sáng tháng 7 trời mưa rả rích, có một cụ ông dò dẫm đến hỏi thăm văn phòng của tôi . Dáng nguời khắc khổ, giọng nói mờ đục. Cụ trình bày: vào ngày 08/6/2012, con tôi tên Lê Văn Đẩu (nạn nhân, sinh năm 1990, ngụ ấp 2, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đang làm việc tại hố thang máy trên tầng 19, công trình xây dựng cao ốc ở TPHCM thì té ngã và rơi xuống.
Tình hình sức khỏe hết sức nguy kịch, đa chấn thương, bệnh viện kết luận tạm thời là: Dập bàng quang, gãy nát các đốt xương sống D12, L1, L2, đứt một phần tủy sống, dập phổi, tràn khí màng phổi, bí tiểu…
Trong khi đó, Cty sử dụng lao động chỉ thanh toán một phần viện phí và hứa sẽ đưa nạn nhân đi giám định tỉ lệ thương tật để có cơ sở bồi thường tai nạn lao động…. Nhưng sau đó do không có tiền tiếp tục lo viện phí nên ông cụ đành đưa con trai về quê nhà, thế nên bệnh tình của nạn nhân càng trở nên nghiêm trọng hơn: Bị liệt hai chân, không còn cảm giác, đi tiểu tiện phải thông qua ống đặt túi, đại tiện phải nhờ người nhà dùng tay hỗ trợ, phần mông bị sưng tấy, thân thể teo hóp, ăn uống khó khăn…
Thảm thương hơn là khi đó anh Đẩu lại cảnh “gà trống nuôi con”, vợ bỏ nhà đi trước đó, con nhỏ mới lên 3 tuổi. Cả đại gia đình cùng làm phụ hồ trong công trường với đồng lương vô cùng ít ỏi.
Luật sư vào cuộc
Bị tai nạn lao động nhưng chủ doanh nghiệp né tránh bồi thường, tôi thấy đây là trường hợp khó vì người lao động không được ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH đầy đủ. Đọc tập hồ sơ ông cụ trao chỉ vài mẩu giấy, tôi tư vấn ông cụ phải yêu cầu công an tổ chức giám định tỷ lệ thương tật của nạn nhân để làm cơ sở giải quyết vụ việc.
Sau đó chúng tôi vào việc ngay, và yêu cầu đã được công an chấp nhận. Anh Đẩu được đưa đến Trung tâm Giám định pháp y địa phương để giám định, thế nhưng rất lâu Trung tâm Giám định pháp y không trả kết quả.
Thế là tôi lại cùng ông cụ đến Trung tâm để khiếu nại về việc không giao kết quả cho nạn nhân. Tại Trung tâm, giám định viên khẳng định đã trả kết quả cho công an, tôi và cụ ông lại tất bật đến công an. Nhưng một lần nữa công an lại từ chối cung cấp kết quả giám định, họ chỉ thông báo miệng rằng kết quả mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 92%.
Ngày 23/11/2012, tôi tư vấn ông cụ gửi đơn đến Phòng LĐTBXH quận để hòa giải tranh chấp về bồi thường tai nạn lao động. Tuy nhiên phía Cty lại không đến sau hai lần được mời, thế là hòa giải không thành.
Trong khi đó bệnh tình của nạn nhân trở nên trầm trọng hơn, bị hoại tử phần mền xương cùng và quanh hậu môn do nằm quá lâu nên phải tái nhập viện. Rất may mắn là bệnh viện thương tình cho “nợ” tiền viện phí và giới thiệu đến hội từ thiện để giúp đỡ.
Còn tôi soạn ngay đơn khởi kiện vụ án tranh chấp lao động gửi đến tòa án, nhưng khổ nỗi là nạn nhân phải là nguyên đơn khởi khởi kiện thì đang nằm bệnh viện không thể tham gia tố tụng. Vì thế tôi lại phải cầu viện đến Văn phòng công chứng Hội Nhập nhờ giúp đỡ công chứng giấy ủy quyền để ông cụ thay mặt con trai tham gia tố tụng. Còn tôi, miễn phí mọi việc và mời công chứng viên đến tận bệnh viện để công chứng.
Nhưng vụ việc trở nên phức tạp hơn khi cán bộ tòa án nhận định tòa không thể nhận đơn khởi kiện được vì vụ việc phải do công an có kết luận điều tra. Ngoài ra hồ sơ chưa có văn bản kết luận mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây ra nên không đủ cơ sở khởi kiện.
Tôi và cụ ông lại lên đường sang cơ quan công an để “truy tìm” kết luận mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây ra theo hướng dẫn của tòa án. Đến cơ quan công an thì họ cho biết đã chuyển sang Thanh tra lao động của Sở LĐTBXH giải quyết theo thẩm quyền thanh tra lao động?
Làm việc với Thanh tra lao động thì cơ quan này nói, vụ việc đã được giải quyết nếu nạn nhân không đồng ý thì có quyền khiếu nại tiếp ở cấp cao hơn. Còn kết luận mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây ra khi nào tòa án có yêu cầu thì sẽ bàn giao?
Quá mệt mỏi với những cách giải quyết mà không biết điểm dừng ở đâu, nơi này chỉ qua nơi khác, không những gia đình bị hại khốn đốn mà LS cũng bị “quay” đến chóng mặt. Nhưng cái khó ló cái khôn, tôi tư vấn ông cụ gửi đơn kiện bằng bưu điện đến tòa án.
Mười ngày sau, tôi lại cùng ông cụ đến tòa án với giấy báo phát thư của bưu điện để yêu cầu tòa án giải quyết đơn khởi kiện.
Tại đây, tòa tiếp tục bảo chờ, đơn đã chuyển lãnh đạo xem xét? Đến ngày 01/3/2013, Tòa án mời đại diện ủy quyền của nguyên đơn đến trình bày yêu cầu khởi kiện. Cầm giấy triệu tập của tòa án mà cụ ông cứ khóc rưng rức vì cứ ngỡ sau bao ngày chờ đợi tòa án sẽ… giải quyết ngay.
Tại tòa, thẩm phán lại yêu cầu nộp kết luận mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây ra để làm cơ sở giải quyết vụ án. Một lần nữa tôi lại thuyết phục Tòa viết thư triệu tập, lần này với giấy tờ hợp lệ tôi tiếp tục thuyết phục Thanh tra lao động của Sở LĐTBXH cung cấp bản sao kết luận mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây ra và họ đã đồng ý cung cấp.
Căn cứ kết luận mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích, ngày 27/3/2013 tôi hướng dẫn nạn nhân nộp đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo qui định tại khoản 4 Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự về việc buộc Cty sử dụng lao động tạm ứng một phần tiền bồi thường để có chi phí điều trị bệnh tật.
Kết cục có hậu
Với những đề nghị hợp tình, hợp lý mà LS đưa ra, Tòa án đã chấp nhận và ban hành Quyết định số 05/2013/QĐ-BPKCTT buộc bị đơn tạm ứng 80 triệu đồng cho nạn nhân. Với số tiền trên, anh Đẩu đã đóng tiền viện phí để tiếp tục đều trị và tạm thoát qua khỏi cơn hiểm nghèo để được sống.
Vụ việc sau đó tưởng rằng sẽ được giải quyết nhưng bất ngờ bị đơn đòi chuyển vụ án sang Tòa án quân sự giải quyết vì bị đơn là một doanh nghiệp trực thuộc quân đội. Tuy nhiên với cái tâm và tinh thần trách nhiệm, thẩm phán Võ Văn Đức, TAND quận Tân Bình đã phân tích, đánh giá vụ việc và thuyết phục bị đơn để Tòa tiếp tục giải quyết.
Ngay sau đó Thẩm phán tổ chức buổi hòa giải giữa hai bên. Cuối cùng thì Cty đã chấp nhận bồi thường cho nạn nhân thêm 250 triệu đồng để giải quyết hậu quả của vụ tai nạn lao động. Tổng cộng các chi phí bồi thường, tiền viện phí mà bị đơn chi trả cho nạn nhân là 410 triệu đồng. Đây quả là một kết thúc có hậu sau bao ngày đeo đuổi vụ việc
Còn riêng mình, tôi cứ boăn khoăn mãi, dẫu anh Đẩu có thêm số tiền để điều trị hậu quả, nhưng cả quãng đời còn lại anh phải sống cuộc sống thực vật, rồi đây anh Đẩu sẽ ra sao khi ông cụ không còn bên cạnh? Đứa trẻ con anh sẽ thế nào ? Nếu người sử dụng lao động, người lao động luôn tuân thủ đúng qui định pháp luật về an toàn lao động thì sẽ không có những tai nạn nghiêm trọng xảy ra đem đến cho nạn nhân bao niềm thương xót…