Thêm hai tháng nữa là tròn 4 năm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty CP chứng khoán Bảo Việt được khởi tố, cũng là thời gian ông Trần Minh Anh bị tạm giam. Với gần chục lần điều tra bổ sung nhưng không thể buộc được tội, bị can vẫn ngồi tù trong khi các quy định của pháp luật tố tụng bị vi phạm không thương tiếc.
Đến thời điểm này, PLVN đã có hơn 10 bài báo phản ánh về vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty chứng khoán Bảo Việt với những “điểm nóng” là dấu hiệu oan án khi CQĐT Bộ Công an, Vụ 1 VKSNDTC quy kết tranh chấp quyền sử dụng tài khoản chứng khoán mang tên bà Bùi Thị Minh và tranh chấp số tiền trong tài sản.
Với “tranh chấp kép” này, ai là chủ của tài khoản và tiền trong tài khoản phải do Tòa án giải quyết. Song, CQĐT, VKS tự cho mình quyền tài phán, khẳng định đó là tài sản của bà Minh đồng thời quy kết ông Minh Anh chiếm đoạt tài sản của người khác trong khi có đủ chứng cứ, tài liệu và căn cứ pháp lý cho thấy ông Minh Anh là chủ của tài sản.
“Điểm nóng” này đã được TAND TP Hà Nội nhìn nhận đúng đắn. Trong 5 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Tòa đều yêu cầu CQĐT làm rõ những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản và tranh chấp tài sản. Nhưng, các yêu cầu của Tòa đã không được CQĐT làm rõ.
Những chứng cứ cho thấy vụ án này “không bình thường” cũng đã lộ diện trong quá trình truy tố, xét xử đối với ông Minh Anh. Sau khi không thể buộc tội ông Minh Anh chiếm đoạt tài sản của bà Minh, VKSNDTC “đổi” bị hại thành Cty CK Bảo Việt để dễ quy kết ông Minh Anh “lừa” nhân viên Cty này để chiếm đoạt tài sản của “bà Minh”. Nhưng luận điểm này cũng sai lầm, vì tiền trong tài khoản và bản thân tài khoản mang tên Bùi Thị Minh cũng thuộc sở hữu của ông Minh Anh và đang có tranh chấp; việc ông Minh Anh rút tiền của mình mà phạm tội thì thật nực cười.
Một vấn đề thuộc “góc khuất” của vụ án này là việc Cty CK Bảo Việt sau khi được xác định là bị hại đã phải mang 1,5 tỷ đồng đến CQĐT nộp để “khắc phục hậu quả”. Sau khi điều bất thường này được PLVN phản ánh, Cty này đã có văn bản “đính chính” lại việc nộp tiền.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, sau này giấy nộp tiền được đính chính lại là “hỗ trợ khắc phục hậu quả” do các nhân viên của Bảo Việt gây ra. Điều không bình thường là chỉ ít ngày sau khi Cty CK Bảo Việt nộp tiền vào tài khoản của CQĐT, bà Minh đã có đơn “xin nhận lại số tiền” mà Cty CK Bảo Việt nộp. Vậy, ai đã báo cho bà Minh biết việc này trong khi chỉ có “bị hại” và CQĐT biết việc “bị hại” đi khắc phục hậu quả?
Vụ án có dấu hiệu oan sai rất rõ ràng này đã kéo dài gần 4 năm được dư luận đặc biệt quan tâm vì đây là một vụ án điển hình của vấn nạn hình sự hóa các tranh chấp dân sự. Tại các phiên tòa, bị cáo Minh Anh cũng “tố” bà Minh đã nhờ can thiệp trái pháp luật để đòi số tiền mà bà Minh cho rằng thuộc sở hữu của bà. Ông Minh Anh đã sử dụng chính việc bà Minh “xin được nhận tiền” mà “bị hại” đã nộp cho CQĐT để chứng minh sự không bình thường của vụ án này.
Được biết, vụ án cũng được một đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn đối với CQĐT và VKSNDTC. Trong văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội, CQĐT thì cho rằng đã đủ căn cứ buộc tội đối với ông Minh Anh và các cơ quan tố tụng đã “họp liên ngành” và thống nhất đường lối giải quyết vụ án. Việc “họp liên ngành” vốn là hoạt động không được phép vì đây là hoạt động “vô hiệu hóa” hoạt động xét xử, khiến hoạt động xét xử chỉ mang tính hình thức. Nguyên nhân phải “họp liên ngành” là do CQĐT khởi tố, VKS truy tố đối với ông Minh Anh thiếu căn cứ.
Sau khi đã họp liên ngành, Tòa án vẫn không buộc tội đối với ông Minh Anh. Điều này cho thấy, việc họp liên ngành chủ yếu là để thuyết phục Tòa đứng về các quyết định của CQĐT, VKS. Đến thời điểm này, mặc dù Tòa chưa tuyên buộc tội đối với ông Minh Anh nhưng với việc 5 lần trả hồ sơ và “ngâm” hồ sơ nhiều tháng liền mà không mở phiên tòa cũng cho thấy sự “khó xử” của ngành Tòa. Quyền lợi hợp pháp của công dân, sự công bằng, đúng đắn của pháp luật liệu có được lựa chọn để kết thúc vụ án này?
Đã “họp liên ngành” thì người bị buộc tội có thể thoát được án hay không? Với những vụ án oan sai thì đây là câu hỏi thực sự như lưỡi dao cắt vào hy vọng của thân nhân người bị oan sai. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú về vấn đề này: Thưa Luật sư, tại sao “họp liên ngành” lại là vấn đề mà các luật sư rất bất bình? - Trước năm 2002, trước khi Nghị quyết 08 về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị được ban hành thì việc họp liên ngành khá phổ biến, đặc biệt là trong những vụ án lớn, phức tạp. Việc họp liên ngành thường để bàn việc giải quyết vụ án và phối hợp giữa các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 08, việc họp liên ngành đã hạn chế hơn nhưng không phải không diễn ra. Lý do của việc này là khi lãnh đạo 3 ngành đã họp và thống nhất đường lối giải quyết vụ án thì những hoạt động tố tụng sau này sẽ mang tính hình thức, việc xét xử sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Do đó, để cải cách tư pháp, quyết định của Tòa phải căn cứ vào tranh tụng thì các cơ quan tố tụng phải độc lập và không thể tiếp tục “họp liên ngành”. Vẫn xảy ra họp liên ngành để thống nhất đường lối giải quyết vụ án này, vậy thì số phận người bị truy tố oan sai coi như được định đoạt trước khi xử, thưa ông? - Thực tế có những vụ án đã có “họp liên ngành” nhưng khi chuyển sang Tòa, Tòa án vẫn độc lập. Vụ án Nguyễn Thị Huế ở Hưng Yên là một ví dụ. Vì thế, tôi cho rằng, việc họp liên ngành không phải đặt dấu chấm hết cho vụ án. Trong vụ án này, việc Tòa án không thể buộc tội bị cáo sau khi họp liên ngành cho thấy Tòa cũng bị cột chặt vào kết quả họp liên ngành. Nhưng việc tuyên bố bị cáo không có tội cũng không phải là dễ dàng. Theo tôi, đây là điều khó khăn của nhiều vụ án chứ không riêng vụ án này và đây cũng là vấn đề cần phải giải quyết triệt để để thực hiện thành công cách tư pháp. Xin cảm ơn ông! |
Khải Hoàn