Nguồn lực quan trọng với ngành thủy lợi đang cạn dần
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, chỉ trong năm 2015, ngoài vốn trong trong nước và nguồn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ này còn được Chính phủ giao tới 1.120 tỷ đồng vốn ngoài nước (ODA), chiếm khoảng 11,4 % tổng nguồn vốn của lĩnh vực nông nghiệp để đầu tư vào các dự án thuộc ngành.
Nếu tính tổng số 191 dự án của Bộ NN&PTNT thì dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng lên tới 28 dự án. Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ này nhấn mạnh, tính trong cả giai đoạn 20 năm (1996 – 2015), tổng vốn ODA huy động trong ngành nông nghiệp lên tới khoảng hơn 6 tỷ USD, trong đó thủy lợi chiếm tỷ lệ cao nhất với 45%.
Thực tế cho thấy, ODA là nguồn lực quan trọng đối với ngành thủy lợi. Hiện Việt Nam đang vận động nguồn vốn này cho an toàn đập, tái cơ cấu nông nghiệp, quản lý nước vùng hạn, Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các dự án cấp nước nông thôn sử dụng nguồn vốn ODA đang được ngành Thủy lợi triển khai như: Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ; Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn WB tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ theo tiến độ và cam kết của Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, mặc dù là lĩnh vực đang cần đầu tư hạ tầng rất lớn, nhưng nguồn vốn ODA đầu tư cho lĩnh vực thủy lợi ngày càng bị suy giảm. “Do nguồn vốn ODA giảm nên có thể hướng đến các nguồn vốn có ưu đãi thấp hơn để hỗ trợ cho khu vực tư. Các hệ thống hạ tầng thủy lợi lớn đang được đầu tư rất tốt, nhưng đối với hệ thống hạ tầng nhỏ như kênh mương nội đồng hay các trạm bơm để bơm nước từ các hồ đập lên ở khu vực Tây Nguyên… còn thiếu rất nhiều”, ông Thắng cho biết.
Theo vị Thứ trưởng ngành nông nghiệp, trong bối cảnh nguồn vốn ODA bị hạn chế, Bộ này đang tính sẽ phải huy động vốn từ khu vực tư nhân và người sử dụng nước để làm tăng, làm đa dạng nguồn lực đầu tư.
“Hiện khu vực tư nhân đang rất hào hứng trong nhiều lĩnh vực của thủy lợi như cấp nước nông thôn, thủy lợi cho Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long… Đây là tín hiệu rất tốt để huy động nguồn lực này”, Thứ trưởng Thắng nói.
Còn nhiều băn khoăn
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, hiện nay, trên 90% doanh nghiệp khai thác các công trình thủy lợi trên cả nước vẫn đang hoạt động theo theo phương thức “giao kế hoạch”. Và chưa tính phần ngân sách địa phương có thu điều tiết về ngân sách trung ương tăng thêm cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, một năm, ngân sách Trung ương cũng đã phải tiêu tốn trên 4000 ngàn tỷ đồng chỉ để cấp bù thủy lợi phí nhưng thực chất là để nuôi bộ máy quản lý vận hành các công trình thủy lợi từ Trung ương đến địa phương vừa cồng kềnh, vừa kém hiệu quả.
Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc phải quyết liệt tư nhân hóa hoạt động này để cắt giảm chi tiêu công. Thế nhưng, “biến” nước trở thành hàng hóa, huy động được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào đầu tư khai thác các công trình thủy lợi vẫn đang là dấu hỏi cấp thiết đối với ngành này.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Thắng vẫn luôn khẳng định, mục tiêu đặt ra là phải huy động cho được nguồn lực, sự tham gia của các thành phần kinh tế tạo tiền đề cho phát triển bền vững ngành thủy lợi.
Ông Thắng cũng nói rằng hành lang pháp lý đã có bởi Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã quy định tương đối rõ đối tượng, hình thức đầu tư, nhưng ông nói cần phải “hướng dẫn” sâu Nghị định này để huy động sự tham gia của doanh nghiệp.
“Bộ NN&PTNT sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa thông tư hướng dẫn trong đặc thù của ngành nhưng quan trọng là nhận thức, khi chuyển sang PPP thì phải phân bổ lại nguồn lực đầu tư. Nguồn đầu tư công đã được ấn định nhưng vẫn phải dành nguồn lực cho đầu tư PPP với một tỷ lệ nhất định. Nếu không với xu thế hiện nay vẫn muốn làm theo đầu tư công”, vị thứ trưởng này lo ngại.