Ai đứng sau sự 'nổi danh ba trợn' của Khá Bảnh?
Xuất hiện trong cộng đồng với một thái độ “nửa ông, nửa thằng”, Khá Bảnh có những thứ mà tuổi học trò dậy thì “thèm khát, thích thú”. Ngang tàng, "đại ca", có đàn em đi theo hầu hạ, có tiền, lại là tín đồ quảng bá cho các game - thứ trò chơi gây nghiện tuổi mới lớn.
Nhìn cách thể hiện của Khá Bảnh thì có thể khẳng định anh ta muốn "tập làm giang hồ" theo kiểu chơi ngông, vừa đủ để các công ty sản xuất game cần anh ta cho chiến dịch quảng bá sản phẩm mới.
Khá Bảnh chưa đủ chân để bước vào giới "giang hồ hiểm ác", nhưng cách thể hiện của anh ta khiến cho tuổi học trò chưa định hình nhân cách "thần tượng". Và việc tung hô Bảnh là điều mà học sinh coi là bình thường, nhưng các bậc phụ huynh lo lắng vì nó lệch chuẩn giá trị đạo đức cũng như văn minh.
Khá Bảnh nổi bật trên mạng, nhưng phía sau đó rất có thể có một nhóm sản xuất, xây dựng hình ảnh. Những đứa trẻ bắt đầu thích thể hiện mình, cha mẹ khó bảo và chúng cần một hình tượng mới khác với thầy cô hay cha mẹ.
Khá Bảnh có thể coi là hình tượng này với cách thể hiện như “một kẻ hư hỏng” với kiểu múa quạt, ăn chơi vũ trường, dạy dỗ đàn em, giao du các đại ca, xăm trổ đầy mình, ăn nói bạt mạng, hành động quá khích. Bên cạnh đó Khá Bảnh còn là diễn viên trong các phim ngắn, hát hò nhảm nhí. Những thứ đó tạo vừa đủ để lôi cuốn thị hiếu đám đông vào một mục tiêu khác.
Mỗi clip có vẻ giang hồ đó hầu như đều lồng vào các sản phẩm của trò chơi trực tuyến đang được giới trẻ yêu thích. Việc Khá Bảnh đốt xe để "đổi" xe máy điện của một thương hiệu xe điện được nhân vật này nhắc đi nhắc lại khiến người ta đang nghi có chuyện "quảng cáo bẩn".
Cảnh Khá Bảnh khóc như trẻ con khi ngồi trước công an là một minh chứng anh ta chỉ thuộc dạng “chơi ngông, trẻ trâu”...
Một facebooker có tiếng cho rằng, ngoài Khá Bảnh, "đám trẻ con" bây giờ còn có những idol khác... Trong số đó, có người làm nghề cho vay tiền góp, còn gọi là bốc bát họ. Khi Bộ Công An mở đợt truy quét mạnh, họ bớt phô trương hơn.
Những người hâm mộ các Idol ấy trước hết là để giải trí. Tiếp đến là họ "tìm được" ở các "thần tượng" những thứ mà nhà trường không dạy, kể cả về cách ứng xử hay phát ngôn thiếu chuẩn mực xã hội. Họ tìm thấy sự thoả mãn về vật chất khi nhìn thấy cọc tiền của anh H.H.H, họ cảm thấy dễ chịu khi nhìn thấy cọng dây chuyền nặng vài cân của anh P.L...
Những giá trị truyền thống, giá trị thực bị làm méo mó đi bởi các thần tượng trên thế giới ảo trên. Cũng bởi thế, khi bị công an "hỏi thăm", Idol lộ bản chất thực thì người hâm mộ lập tức hoài nghi, dễ thất vọng. Cũng bởi thế, họ nhanh chóng thay đổi thần tượng của mình...
Gia đình và nhà trường cần hướng học sinh tới những điều tốt đẹp
Sau khi Khá Bảnh bị bắt, giới luật sự cũng có nhiều băn khoăn là sẽ xử lý anh ta ra sao và liệu những chế tài có răn đe và hạn chế được thứ trào lưu “sùng bái giang hồ vặt” trên mạng được không?.
Thế giới ảo là thế giới phẳng rộng lớn, có cả tốt lẫn xấu và rất khó để ngăn chặn những điều xấu xa đến với chúng ta, xâm nhập người mới lớn. Hãy bắt đầu từ gia đình, xây dựng nền tảng tốt cho con em, giúp họ biết chọn lọc điều tốt đẹp để học tập, loại bỏ cái xấu. Phụ huynh xây dựng cho mình cách tự kiểm duyệt thông tin, chọn lọc, để không lệch chuẩn giá trị văn minh, từ đó định hướng tốt cho trẻ...
Những kẻ như Khá Bảnh sẽ luôn hiện diện trên cộng động mạng, dù có xử lý thì nó cũng vẫn mọc ra như nấm sau mưa. Bởi họ nổi tiếng không chỉ vì... thích, mà còn vì tiền. Khá Bảnh từng kiếm hàng trăm triệu đồng một tháng nhờ là thần tượng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, gia đình, nhà trường, học sinh, cấp quản lý cùng có một ý thức chia sẻ văn minh, học tập chọn lọc, thì hình ảnh như Khá Bảnh sẽ trôi qua mắt...