Khắc phục tình trạng chậm xử lý văn bản trái pháp luật

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa có báo cáo công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018 gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh sẽ kịp thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, khắc phục tình trạng chậm trễ hoặc không xử lý văn bản trái pháp luật.

Kịp thời, nhạy bén trong  phản ứng chính sách

Trong năm 2017, thực hiện sự chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với việc xây dựng, rà soát, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội phát huy năng lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác xây dựng, ban hành pháp luật nói chung, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL nói riêng tại các cơ quan cấp bộ và địa phương đã có những bước chuyển biến tích cực, nâng cao về chất lượng, hiệu quả hơn so với các năm trước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và công tác hướng dẫn, kiểm tra của Bộ Tư pháp, lãnh đạo các cơ quan cấp bộ và địa phương cấp tỉnh đã coi trọng, quan tâm chỉ đạo tốt hơn việc kiện toàn, bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí, quy định cơ chế phân công phối hợp thực hiện, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và các điều kiện bảo đảm khác cho việc tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Việc xây dựng kế hoạch năm về triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được thực hiện khá nghiêm túc. 

Trong công tác kiểm tra văn bản QPPL, nhìn chung, các cơ quan cấp bộ và UBND cấp tỉnh đã thực hiện đồng bộ công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, tập trung vào các lĩnh vực ban hành nhiều văn bản mới, những vấn đề kinh tế - xã hội được dư luận xã hội quan tâm như xây dựng, đầu tư, đất đai, khoáng sản, môi trường…; nhiều cơ quan đã chú trọng việc kiểm tra, rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn, do đó đã phát hiện được nhiều hơn các văn bản trái pháp luật. Nhiều bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã quan tâm chỉ đạo tổ chức pháp chế kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai sót ngay từ giai đoạn xây dựng văn bản QPPL thông qua việc góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính các dự thảo văn bản.

Công tác kiểm tra văn bản được chú trọng triển khai, kết hợp với việc rà soát văn bản QPPL trên địa bàn; Việc tự xử lý văn bản trái pháp luật sau khi có Kết luận kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) được nhiều cơ quan thực hiện khá nghiêm túc, kịp thời vì lợi ích chung của toàn xã hội, sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Công tác rà soát văn bản tại các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh tiếp tục được thực hiện tương đối nền nếp và có hiệu quả.

Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật của Bộ Tư pháp thời gian qua, nhất là trong năm 2017 đã thể hiện sự kịp thời, nhạy bén trong phản ứng chính sách của Bộ đối với các văn bản trái pháp luật, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với một số văn bản được dư luận xã hội quan tâm, tiếp tục tạo được hiệu ứng xã hội tích cực đối với công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của hệ thống pháp luật; góp phần tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo chủ trương của Chính phủ.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn như hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản trong cả nước hoạt động chưa thực sự đồng bộ; Một số cơ quan chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định về việc xử lý văn bản trái pháp luật sau khi có kết luận của Cục Kiểm tra văn bản QPPL; việc xử lý còn chậm trễ, kéo dài…

Chỉ ra nguyên nhân, Bộ Tư pháp cho biết thời gian tới Bộ sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản; đẩy mạnh quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nắm bắt kịp thời, sâu sát tình hình, kết quả kiểm tra, xử lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương.

Theo sát dư luận, phản biện xã hội về tình hình ban hành, thực thi văn bản QPPL; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí và các tổ chức, cá nhân khác nhằm tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, văn bản không phù hợp, không khả thi trong thực tế gây trở ngại, bất lợi cho việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. 

Tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, bảo đảm “kịp thời, thận trọng, chính xác, quyết liệt”; gắn kết chặt chẽ hoạt động này với hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; kịp thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, khắc phục tình trạng chậm trễ hoặc không xử lý văn bản trái pháp luật; nhạy bén trong phản ứng chính sách đối với các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với những văn bản được dư luận xã hội quan tâm. 

Đọc thêm