Khách quốc tế thích thú với chợ tình Sa Pa

(PLVN) - Không chỉ thu hút bởi những điểm đến thú vị và những mùa hoa rực rỡ. Nét đẹp văn hoá của người dân vùng Tây Bắc cũng là một trong những điểm đặc sắc mà nhiều khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm. Sa Pa là thị trấn của những lễ hội, trong đó, đặc sắc nhất có lẽ phải kể đến chợ tình Sa Pa - nơi bắt nguồn cho câu chuyện tình cảm của các cặp trai gái.
Sa Pa nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những cánh đồng lúa bậc thang và sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc thiểu số. (Ảnh: MIA)

Chợ tình Sa Pa đã trở thành một điểm sáng du lịch

Không một ai có thể biết chính xác phiên chợ này đã xuất hiện tự bao giờ, hoạt động giao lưu ở chợ tình Sa Pa đã có từ trước khi khái niệm này phổ biến với khách du lịch quốc tế. Theo lời người dân kể lại, trước đây vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, nơi đây sẽ tổ chức một phiên họp. Phiên chợ thường diễn ra từ sáng sớm đến tối muộn và kết thúc trong sự vui vẻ, hạnh phúc của người dân. Lâu dần, phiên chợ được nhiều người biết đến và trở thành nơi hẹn hò, trao duyên của các cặp đôi.

Già, trẻ, trai, gái sau một tuần làm việc vất vả sẽ tụ họp tại đây cùng nhau tâm sự, chia sẻ những câu chuyện cuộc sống hàng ngày. Họ cũng có thể ngồi uống với nhau vài bát rượu ngô, ăn một bát thắng cố nóng, hoặc trao đổi, mua bán vật phẩm với nhau.

Đến với chợ Sa Pa đúng vào lúc những phiên họp chợ dịp cuối tuần diễn ra, du khách sẽ được trải nghiệm bầu không khí náo nhiệt, sôi động hơn hẳn ngày thường với một loạt những sự xuất hiện của các cô sơn nữ e ấp xúng xính trong những bộ xiêm y đơn giản nhưng rực rỡ, điểm xuyết cùng những món đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, trong khi những chàng trai khỏe mạnh vùng sơn cước thường xuất hiện rất “bảnh tỏn” với những trang phục thổ cẩm đặc trưng.

Đến chợ tình Sa Pa, bạn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh những chàng trai thổi kèn và những cô gái nhảy múa trong trang phục dân tộc, cùng những vũ điệu xoay ô nên thơ và rất đỗi lãng mạn. Tiếng kèn, tiếng trống và những câu hát giao duyên chính là những “đặc sản” của phiên chợ tình Sa Pa này. Tất cả những điều ấy đã cùng nhau khắc họa một phiên chợ thật rộn ràng, thật sôi nổi nhưng cũng rất đỗi trữ tình và tràn ngập tình yêu.

Thời gian đẹp nhất để tham quan chợ tình là vào mùa xuân hoặc mùa đông. Mùa xuân ở Sa Pa chính là mùa của những lễ hội. Đây là mùa để các cặp trai gái được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Đặc biệt hơn, nếu lựa chọn đến Sa Pa vào mùa đông, bạn có thể sẽ được ngắm tuyết rơi. Trải nghiệm này sẽ càng tăng thêm phần lãng mạn cho chuyến du lịch Sa Pa.

Vốn là một nét đẹp văn hóa của người dân tộc Mông nơi vùng núi Tây Bắc từ bao đời nay, giờ đây, chợ tình Sa Pa đã trở thành một điểm sáng du lịch nơi thị trấn ở địa đầu Tổ quốc.

Trước đó, người dân địa phương thường sống dựa vào nông nghiệp và trồng trọt để kiếm sống. Và trong khi du lịch đã tạo ra vô số cơ hội đa dạng hóa nguồn thu nhập thì du khách đến vùng đất này ngày càng nhiều hơn. Thậm chí có những dịp khách du lịch đến chợ còn nhiều hơn hơn người dân làng tham dự.

Nếu như trước kia, nơi đây được tổ chức một năm một lần thì giờ đây được tổ chức mỗi tối thứ Bảy hàng tuần. Địa điểm tổ chức của chợ tình từ xưa đã được ấn định là tại Quảng trường Sa Pa, nằm trước cửa Nhà thờ Đá Sa Pa, tới hiện tại đây vẫn là địa điểm được chọn để tổ chức vào mỗi cuối tuần. Địa điểm tổ chức này là một địa điểm vô cùng lôi cuốn khách du lịch và dễ dàng đi lại.

Các cặp đôi tại chợ tình Sa Pa. (Ảnh: Traveloka)

Bà Capthi Do, 36 tuổi, đã chứng kiến sự thay đổi của Sa Pa sang nền kinh tế dựa vào du lịch và sự lặp lại mới của văn hóa hẹn hò địa phương. Bà Capthi Do là một người nội trợ trước đây và hiện đang điều hành một nhà trọ tại Sa Pa trong 3 năm qua cho biết, du khách luôn cực kỳ háo hức với những nghi lễ và âm thanh tiếng sáo của cặp đôi trai - gái hẹn hò, đặc biệt là không khí của chợ tình Sa Pa đang diễn ra.

Trước đây, thanh niên nam nữ đi chợ theo nhóm để có thể tìm hiểu lẫn nhau. Nhưng giờ đây, họ có thể làm quen riêng qua ứng dụng nhắn tin trước khi tham gia phiên chợ tình, thay vì phải tự giới thiệu với người lạ. “Thông thường, họ tìm thấy nhau lần đầu tiên trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và Zalo. Những người thông thạo tiếng Anh thích dùng ứng dụng như Bumble hoặc Tinder. Sau đó, khi đã đến đây và ấn định một cuộc hẹn trên núi”, bà Capthi nói.

Không chỉ có nét đẹp của những cuộc gặp gỡ, làm quen, thậm chí là kết duyên giữa những nam thanh, nữ tú chốn bản làng nơi núi rừng Tây Bắc. Chợ Sa Pa cũng rất thu hút khách quốc tế tham quan, mua sắm.

Thường thì các mặt hàng được bày bán nhiều nhất tại chợ Sa Pa có thể kể đến bao gồm các loại quần áo, giày dép, thổ cẩm, những gói thuốc bắc thơm nồng hương vị đặc trưng cùng một loạt những món quà lưu niệm. Ngoài ra, ở gian chợ nằm sâu hơn bên trong chính là khu vực bán các loại thực phẩm thiết yếu và nông sản đặc trưng của vùng núi non Sa Pa như thịt trâu, gà đồi, cải mèo, táo mèo, măng rừng khô, hoa atiso hoặc loại thuốc tắm đặc trưng của người Dao Đỏ…

Hai vị du khách đến từ Pháp chia sẻ rằng, họ rất ấn tượng với chợ Sa Pa bởi đây là mô hình đặc sắc khác lạ so với chợ ở quê hương họ. Những sản phẩm thủ công của Sa Pa cũng khiến các vị khách nước ngoài rất thích thú. Hai vị khách cho biết, họ đặc biệt cảm tình với sự thân thiện và hiếu khách của người dân nơi đây và chắc chắn sẽ quay trở lại Sa Pa khi có dịp.

Chủ một sạp hàng tại chợ Sa Pa cho biết, rất nhiều du khách thích ghé thăm chợ Sa Pa để mua những đặc sản vùng miền. Đặc biệt, các món đồ thủ công của người dân tộc như chăn, khăn quàng cổ, vòng tay... Khách du lịch trong nước quan tâm nhiều hơn tới các món trà thảo dược, nông sản, đặc sản của Sa Pa. Còn các món mứt, quả sấy đa dạng và bánh hạt dẻ thường gây hứng thú đối với những du khách nước ngoài.

Các phiên họp chợ luôn là một vẻ đẹp rất riêng, rất đặc trưng của nền văn hóa tại các bản làng của người dân tộc nơi Tây Bắc đại ngàn. Ở chợ Sa Pa với những món đồ bình dị, giản đơn và mang đậm dấu ấn địa phương luôn là điểm đến thu hút được nhiều sự chú ý của du khách nhất mỗi khi đến với thành phố nhỏ bé quanh năm sương mù lãng đãng giữa chốn núi rừng hoang sơ, hùng vĩ này.

Một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới

Không chỉ vậy, mới đây, tờ Infobae của Argentina đưa tin, Sa Pa là một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới cùng với Grindelwald, Thụy Sỹ; Alberobello, Italy và Esperanza, Australia...

Infobae miêu tả vẻ đẹp của Sa Pa “mù sương” với “khung cảnh núi non hùng vĩ, thung lũng xanh và những thửa ruộng bậc thang”. Đến Sa Pa, du khách sẽ tìm thấy những khu chợ bán những nguyên liệu độc đáo, nhất định du khách phải thử đồ ăn ở Sa Pa bởi rất ngon. “Điều thú vị nhất là thị trấn được bao quanh bởi làng bản nhỏ nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc thiểu số. Lên Sa Pa, du khách có cảm giác như được thả mình lơ lửng giữa chín tầng mây” - Infobae nhấn mạnh.

Khách du lịch mua đồ lưu niệm ở Sa Pa. (Ảnh: The Travel)

Cây bút Aaron Spray của Trang The Travel cũng có bài viết chia sẻ về sức hấp dẫn của Sa Pa. Theo đó, Sa Pa cũng là điểm hẹn cho những du khách muốn khám phá văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Các dân tộc thiểu số truyền thống thường sinh sống ở vùng núi và rải rác ở các thung lũng xung quanh Sa Pa bao gồm người Mông, Dao (Yao), Giáy, Xa Phó và Tày. Trong số này, các nhóm thiểu số chính trong khu vực là người Mông (52%) và người Dao (25%). Người dân ở đây thường trồng lúa và ngô để duy trì cuộc sống hàng ngày.

“Du khách sẽ thấy dân làng làm việc ở ruộng bậc thang và ruộng lúa. Trâu là con vật vốn dĩ đã gắn liền với nghề nông của người dân trong hàng nghìn năm nay. Khách du lịch đi theo nhóm dọc theo những con đường mòn xuyên qua các làng mạc và cánh đồng của nông dân. Phụ nữ thường mặc trang phục truyền thống và tiếp đón khách du lịch”, tác giả viết.

Ngoài làm nông, người dân địa phương ở đây cũng làm thêm nhiều mặt hàng thủ công truyền thống như vòng tay, hoa tai và quần áo. Đây là những sản phẩm thủ công địa phương mà du khách rất thích thú mua làm kỷ niệm mỗi khi ghé thăm.

“Người dân sống tại những ngôi làng ở Sa Pa thường giản dị và du lịch phần nào đã cải thiện cuộc sống của người dân địa phương trong thời gian qua”, tác giả viết.

Đọc thêm