Khai khống hàng trăm lao động để rút tiền Nhà nước?

Sau 1 năm ở cương vị Phó Giám đốc Cty CP Cromit Cổ Định, Thanh Hóa, ông Thái Văn Thắng chứng kiến nhiều sai phạm lộ liễu tại Cty này và lập tức có báo cáo gửi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đề nghị làm rõ. Nhưng, kết luận thanh tra của Vinacomin chưa làm sáng tỏ bản chất sự việc.

Sau 1 năm ở cương vị Phó Giám đốc Cty CP Cromit Cổ Định, Thanh Hóa, ông Thái Văn Thắng chứng kiến nhiều sai phạm lộ liễu tại Cty này và lập tức có báo cáo gửi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đề nghị làm rõ. Nhưng, kết luận thanh tra của Vinacomin chưa làm sáng tỏ bản chất sự việc.

Kết luận kiểm tra của Vinacomin bị cho là chưa làm sáng tỏ bản chất sự việc
Kết luận kiểm tra của Vinacomin bị cho là chưa làm sáng tỏ bản chất sự việc

Nhiều sơ hở

Ông Thắng phản ánh, từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2012, trên khai trường của Cty CP Cromit Cổ Định, Thanh Hóa, lực lượng lao động làm việc ở bộ phận khai thác thủ công không được ký hợp đồng lao động đúng qui định với công ty. Thực chất, họ là lao động tự do, được lãnh đạo công ty cho vào khai thác quặng cromit thổ phỉ  và họ được trả tiền công rất “bèo”, khoảng 150 ngàn đồng/ ngày. Đã vậy, tiền công của họ còn bị bớt lại để trả cho các tổ trưởng tiền khấu hao dụng cụ sản xuất. 

Vào lúc đỉnh điểm, bộ phận khai thác thủ công chỉ có khoảng 350 người ngoài hiện trường. Nhưng trong hồ sơ trả lương, con số này được khai tới gần 1 ngàn người. Theo ông Thắng, đây là “mánh” để những người liên quan rút ruột tiền của công ty. Để hợp thức, các hồ sơ lao động được làm dưới dạng hợp đồng lao động thời vụ, có tên, tuổi địa chỉ người lao động rõ ràng.

Tuy nhiên, trên thực tế đấy chỉ là các hợp đồng “ma” để rút tiền một cách hợp lý và che mắt các đoàn kiểm tra cấp trên. “Trong bảng lương của phòng kế toán, các chữ ký nhận tiền hầu như không hợp lệ, là chữ ký giả mạo vì không có lao động thực. Vậy, tiền lương đó đi đâu, ai nhận?”, ông Thắng đặt nghi vấn.

Việc “cấy” thêm một lượng lớn lao động vào sổ sách một cách trót lọt trong một thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 10/2012, theo ông Thắng, là do công ty không làm sổ nhật lệnh cho bộ phận này.

Sổ nhật lệnh được hiểu là phân công công việc cho từng công nhân trong ngày làm việc, các biện pháp an toàn cần lưu ý tại vị trí làm việc và trên cơ sở số liệu ở sổ này mới chấm công chính xác và trả lương đúng người. Việc không có sổ nhật lệnh nói trên, không kiểm soát được số lao động thực trên khai trường nên là sơ hở để lao động tuồn quặng khai thác được ra ngoài, gây thất thu cho nhà nước.

Kết luận thiếu thuyết phục

Sau khi tiếp nhận những phản ánh nói trên, Thanh tra Viancomin đã tiến hành kiểm tra và có kết luận một số nội dung ông Thắng phản ánh đúng, một số nội dung phản ánh không đúng. Theo đó, kết luận thừa nhận một số “luộm thuộm” trong công tác quản lý nhân sự như: Không có sổ nhật lệnh sản xuất từ tháng 1 đến tháng 7/2012 để phân công công việc cụ thể cho lao động hàng ngày.

Từ 1/7/2012 dù có sổ nhật lệnh nhưng chỉ có một hai người ký cho mấy chục người. Công tác quản lý hồ sơ, hợp đồng lao động thời vụ ghi chép cẩu thả như không có điều khoản về an toàn lao động; thiếu giấy chứng nhận sức khỏe người lao động; không có xác nhận của chính quyền địa phương về người lao động; các thông tin về người lao động chưa được chính xác như: chữ ký, số chứng minh nhân dân; người lao động chưa được học an toàn bước một đã được bố trí làm việc.

Việc trả lương, kết luận thừa nhận có việc một người ký nhận cho nhiều người, và chữ ký không giống với chữ ký trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, những sai sót này lại đổ lỗi do sai về thủ tục, còn không có việc gian dối làm hợp đồng giả để rút tiền công ty. Chứng minh không có hợp đồng giả, kết luận nêu: “Với khối lượng sản phẩm thực giao nộp và đơn giá, công ty không thanh toán quá hoặc thiếu cho người lao động”.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, với cách thanh tra như trên không thể làm rõ được số tiền thất thoát. Việc đếm đầu vào (là quặng khai thác được) xem có khớp với số lượng hợp đồng trong sổ sách thì phỏng có ích gì khi các hợp đồng này đang bị phản ánh là hợp đồng giả?.

Manh mối tìm ra sự thật hết sức đơn giản nhưng Thanh tra đã không làm, đó là, xác minh những người có tên, địa chỉ trong hợp đồng xem họ có làm việc, có nhận tiền thật tại công ty hay không hay họ chỉ bị mượn danh để hợp thức hồ sơ?. “Xác minh bằng cách đó mới có số liệu chính xác về hợp đồng nào là thật, hợp đồng nào là giả, từ đó, mới biết được số tiền bị rút ruột là bao nhiêu”, ông Thắng nhận định.

Ngoài ra, một chi tiết cho thấy nhiều khả năng công ty không ký hợp đồng với các lao động mà thực ra các lao động là tự do vào làm việc dưới sự điều hành của các “cai mỏ”. Đó là, sau khi các lao động nhận tiền từ các tổ trưởng, họ đều phải trích một phần trả tiền khấu hao máy móc, trang thiết bị.

Việc này, kết luận thanh tra giải thích: “Người lao động sau khi nhận tiền lương từ công ty phải trích một phần cho tổ sản xuất để mua sắm dụng cụ sản xuất hoặc thuê mượn thiết bị, công cụ, dụng cụ làm việc theo thỏa thuận tự nguyện của các thành viên và hạch toán chi phí riêng của từng tổ”.

Kết luận này không thuyết phục và trái luật. Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội thì Bộ luật Lao động qui định, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo hoặc để lại trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập, ngoài ra không được khấu trừ cho khoản gì nữa.

Trong trường hợp này, công ty phải trang bị máy móc, dụng cụ sản xuất chứ không thể trừ lương người lao động như vậy được. Người trong cuộc Thái Văn Thắng thì cho rằng, không hề có việc người lao động nhận lương từ công ty mà thực chất là các “cai mỏ” trả tiền công cho họ với giá rất “bèo” và việc Thanh tra kết luận như vậy cũng là để che đậy sự thật.

Vì kết quả thanh tra chưa làm rõ được bản chất sự việc như nêu trên, phó giám đốc Thái Văn Thắng tiếp tục khiếu nại tới lãnh đạo Vinacomin.

Hà Linh

Đọc thêm