Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đã tham dự Đại hội cùng hơn 200 công chứng viên đại diện cho hơn 2.400 công chứng viên trong cả nước.
Dự thảo Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội cho thấy, sự hình thành và phát triển của công chứng Việt Nam gắn liền với các giai đoạn của lịch sử nước ta. Những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình phát triển của hoạt động này, nhất là từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, đã góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Đến nay, cả nước có tổng số 1.003 tổ chức hành nghề công chứng với hơn 2.400 công chứng viên đang hành nghề. Số lượng các văn phòng công chứng, đội ngũ công chứng viên, số lượng việc công chứng trong cả nước cũng như số tiền nộp ngân sách đã tăng lên đáng kể.
Bộ trưởng Lê Thành Long, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Đại hội |
Luật Công chứng năm 2014 quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên. Sau một thời gian ngắn triển khai, được sự quan tâm của Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh và sự nỗ lực của các công chứng viên, một số tỉnh, thành phố đã thành lập được 50 Hội Công chứng viên và đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả, là chỗ dựa tin cậy cho các hội viên.
Như vậy, công chứng Việt Nam đã đủ điều kiện để thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các công chứng viên, ngôi nhà chung của tất cả công chứng viên trên cả nước. Được sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức liên quan, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đã được tiến hành khẩn trương theo đúng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được xác định là đầu mối thống nhất về hoạt động tự quản nghề nghiệp của các công chứng viên, Hội Công chứng viên của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiệp hội thực hiện các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, chất lượng hành nghề công chứng.
Đồng thời, giúp các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý tổ chức, hoạt động công chứng và phát triển nghề công chứng trong điều kiện tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm nghề công chứng phát triển ổn định và bền vững. Với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, từ nay công chứng Việt Nam đã thật sự thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của hội viên Liên minh Công chứng quốc tế.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhắn gửi, các hội viên cần đoàn kết, trách nhiệm, phát huy những kết quả đã đạt được, chung tay tiếp tục đưa hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. |
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhiệt liệt chào mừng Đại hội và khẳng định đây là ngày hội lớn của đội ngũ công chứng viên Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về tổ chức và hoạt động của công chứng nước ta.
Đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiến hành Đại hội, Bộ trưởng nhấn mạnh một trong các công việc của Đại hội là phải tiến hành bầu Hội đồng Công chứng viên toàn quốc, các chức danh lãnh đạo của Hiệp hội. Điều này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của mỗi đại biểu tham dự Đại hội để lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức, uy tín nghề nghiệp, khả năng và nhiệt huyết với công tác hội.
“Từ ngày hôm nay, công chứng Việt Nam đã có ngôi nhà chung của mình là Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, các hội viên cần đoàn kết, trách nhiệm, phát huy những kết quả đã đạt trong cả quá trình phát triển để cùng chung tay tiếp tục đưa hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân…” – Bộ trưởng gửi gắm.