Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và tỉnh Hưng Yên.
Tìm giải pháp thiết thực để khắc phục triệt để những yếu kém
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên trong nhiệm kỳ vừa qua là quan trọng, đã góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Bên cạnh những thành tựu, tiến bộ đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên cần thảo luận, làm rõ những tồn tại, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đã được chỉ rõ trong Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Đó là: Tại sao kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh, song chưa đồng đều và chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh (gần với Thủ đô Hà Nội, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ)? Tại sao tốc độ tăng trưởng dịch vụ và tỷ trọng dịch vụ trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lại đạt thấp hơn chỉ tiêu Đại hội? Tại sao thu ngân sách từ sản xuất và kinh doanh trong tỉnh chưa cao?
Tại sao công nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa có sản phẩm có thương hiệu Hưng Yên và sức cạnh tranh rõ nét? Tại sao quy hoạch khá nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, song việc thúc đẩy đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn hạn chế?
Để hạ tầng thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư? Tại sao đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp còn chậm; vì sao việc dồn điền, đổi thửa hoặc tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp còn khó khăn vậy?...
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những hạn chế trong xử lý vi phạm về đất đai, về tài nguyên, về môi trường, về công tác giải phóng mặt bằng, trách nhiệm của tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan giải quyết triệt để hay chưa? Về công tác xây dựng Đảng như các đồng chí đã báo cáo vì sao còn có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới?
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên trong việc chỉ ra những thiếu sót, yếu kém cũng như nhận thấy trách nhiệm của cấp ủy.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng hơn là Đại hội cần phát huy dân chủ, đề cao ý thức trách nhiệm, thảo luận, phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân, chủ quan, khách quan và đóng góp với Đại hội những giải pháp thiết thực để khắc phục triệt để những yếu kém, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho nhiệm kỳ tới.
Tập trung kế thừa thực hiện các nhiệm vụ đột phá
Phát biểu khai mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 có chủ đề: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ phát biểu khai mạc Đại hội. |
Báo cáo Chính trị tại Đại hội cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, Hưng Yên đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cao, vượt sớm so với kế hoạch trong bối cảnh vừa tập trung giải quyết hiệu quả đối với những tình huống khó, mới, phức tạp như đại dịch Covid-19.
Trong 5 năm qua, Hưng Yên đã tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội; kinh tế duy trì phát triển nhanh với chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên. Quy mô nền kinh tế năm 2020 theo giá hiện hành đạt 102 nghìn tỷ đồng, bằng 1,73 lần so với năm 2015 (năm 2015 đạt 59.006 tỷ đồng).
Bình quân giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%/năm (mục tiêu tăng từ 7,5-8%/năm). Giá trị sản xuất: nông nghiệp, thủy sản tăng 2,78%/năm; công nghiệp, xây dựng tăng 10,3%/năm; thương mại, dịch vụ tăng 6,84%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 16,19%/năm.
Năm 2020, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, thủy sản chiếm 9,65%; công nghiệp, xây dựng chiếm 61,5%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,85%. Giá trị xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD. Giá trị thu được bình quân trên 1 ha canh tác đạt 210 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng/ha so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 79,57 triệu đồng (mục tiêu đạt 75 triệu đồng), gấp 1,64 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; là1 trong 8 tỉnh của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% các địa phương cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Một điểm đáng chú ý là kinh tế nông nghiệp có nhiều kết quả nổi bật khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao trong trồng cây có múi, cây vải, nhãn, hoa, cây cảnh, cây dược liệu… nhiều nơi có số thu đạt từ 500-700 triệu đồng/ha canh tác.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung kế thừa thực hiện các nhiệm vụ đột phá mà nhiều nhiệm kỳ trước đã đề ra, trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm:
Xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tăng cường công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển giữa các cấp, các ngành; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có uy tín, năng lực nổi trội.