Trước sự kiện này không lâu, Hội Thủy lợi TP HCM cũng đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về vấn đề khai thác cát một cách thiếu kiểm soát trên các dòng sông gây sụt lở bờ nghiêm trọng.
Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên cát
Một nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) cho thấy, với mức độ khai thác như hiện nay thì trong khoảng 30 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ khai thác hết toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu. Việc giá cát tăng lên từng giờ trong thời gian gần đây cho thấy cạn kiệt tài nguyên cát đang trở thành nguy cơ hiện hữu.
Điển hình như ở ĐBSCL, hiện nay lượng phù sa về vùng này chỉ còn 28 triệu tấn/năm. Thế nhưng giấy phép cho khai thác cát là 20 triệu tấn/năm, đây chính là nguyên nhân gây mất cân bằng phù sa và việc sạt lở bờ. Do vậy, Hội Thủy lợi TP HCM đã kiến nghị ngưng các dự án khai thác, nạo vét trên một số đoạn sông trọng điểm từ 2- 3 năm hoặc có thể lâu hơn để đánh giá lại tình trạng lòng sông và ổn định bờ.
Nhiều chuyên gia nhận định, bên cạnh hoạt động khai thác cát, gần đây hoạt động duy tu, nạo vét luồng tuyến phục vụ nhu cầu giao thông thủy cũng bộc lộ nhiều tiêu cực, gây ra nhiều tác hại khôn lường như xói lở bờ sông, biến đổi địa hình dòng chảy hoặc vị trí nạo vét nhanh chóng bị bồi tụ trở lại do lượng bùn cát từ các nơi khác đổ về...
Đặc biệt ĐBSCL là khu vực đất yếu, rất dễ xảy ra trượt sạt bờ sông. Do đó, PGS-TS Lê Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) nhận xét cho rằng, cần lập bản đồ quy hoạch tổng thể các vị trí bồi tụ cần nạo vét; sau khi cấp phép cần giám sát chặt chẽ.
Những “sức ép” lên lệnh dừng khai thác cát
Tình trạng khai thác cát bừa bãi, khai thác cát trái phép… diễn ra từ rất nhiều năm nay và thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã mạnh tay với “cát tặc”, thêm vào đó các điểm được cấp phép khai thác, nạo vét cũng tạm dừng để rà soát lại nên nguồn cung giảm đi nhiều.
Giá cả phản ánh quan hệ cung – cầu. Việc dừng nạo vét lòng sông tác động đến giá cát là điều đương nhiên. Thực tế, tháng 3 và những ngày đầu tháng 4 vừa qua, cát xây dựng đã tăng từ 2 đến 3 lần và hiện đang ở mức gần 500.000 đồng/m3. Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nguồn cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu và chủ yếu được cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn. Nhiều người cho rằng ở đây đã diễn ra tình trạng “làm giá”, “té nước theo mưa”, có sự đầu cơ tăng giá thao túng thị trường trục lợi; và không loại trừ có cả động cơ gây sức ép lên lệnh dừng khai thác cát. Do vậy, nếu không quy hoạch và không tìm loại vật liệu khác thay thế thì nguy cơ không còn cát để xây dựng là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Đức Toản, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng ngầm Việt Nam, hiện nay nhiều công trình xây dựng, nhất là các công trình giao thông vẫn sử dụng cát nhân tạo nghiền ra từ sỏi, đá nổ mìn… Tuy vậy, về bản chất thì loại cát nhân tạo đang được sử dụng hiện nay vẫn có nguồn gốc từ tài nguyên thiên nhiên nên cũng sẽ đến lúc cạn kiệt. Vì thế, cùng với việc sử dụng nguồn cát nghiền từ đá, đã có nhiều nghiên cứu tái chế, tái sử dụng chất thải để làm cát nhân tạo…
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng bờ sông Vàm Nao thuộc khu vực ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, mất mát của nhân dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh An Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng cảnh báo, hạn chế người, phương tiện qua lại khu vực sạt lở; tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản.
Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, sắp xếp chỗ ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà cửa và phải di dời, không để người dân thiếu đói, khó khăn; có phương án hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân đã bị mất nhà cửa hoặc phải di dời, đảm bảo ổn định đời sống.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND tỉnh An Giang và các cơ quan có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, đề ra các giải pháp thực hiện khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.