Khai thác có trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Thời gian qua, Đảng, Nhà nước vô cùng quan tâm công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đã có rất nhiều chỉ đạo. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân được đẩy mạnh.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau 3 đợt thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC), kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến; tuy nhiên, vẫn còn những nhiệm vụ chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 trong tháng 10 năm nay.

Công tác chống khai thác IUU còn tồn tại một số hạn chế, có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, sinh kế cho người dân vùng biển. Đặc biệt, vẫn còn những đối tượng đưa ngư dân đi khai thác trái phép trên vùng biển quốc tế. Có thể các đối tượng này xem thường luật pháp; có thể ngư dân chủ quan, cho rằng biển mênh mông rộng lớn, khó có lực lượng chức năng của quốc gia nào kiểm soát nổi?

Xuất khẩu thủy sản từ lâu đã là lĩnh vực mang lại hàng tỷ đô/năm cho đất nước. Nửa đầu tháng 9/2023 đem về 363,8 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là tín hiệu cho thấy, xuất khẩu thủy sản đang trở lại “đường đua” và sẽ dần tăng tốc trong những tháng cuối năm. Dự báo nếu không có biến động khác và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về con số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD...

Tuy nhiên, phát triển thủy sản xanh đang là vấn đề phải quan tâm, không chỉ của Việt Nam. Đến nay đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EU áp dụng biện pháp phạt thẻ; trong đó có 6 quốc gia đã phải nhận “thẻ đỏ”. Với Việt Nam, đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU, hướng tới một nghề cá phát triển bền vững tại Việt Nam là việc phải làm.

Chống khai thác IUU từ lâu nay không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chỉ để xuất khẩu sang EU, mà còn vì mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Vấn đề “thẻ vàng” là áp lực để ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ, đa loài sang quản lý nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.

Vì vậy, chúng ta càng cần phải sớm hoàn thành việc đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào dữ liệu nghề cá quốc gia; chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá chưa đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản. Ý thức của ngư dân phải cao hơn nữa… Có như vậy, chúng ta sẽ là đất nước phát triển ngành thủy sản bền vững.

Đọc thêm