Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU

(PLVN) -Dự kiến vào trong tháng 10 này, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang làm việc về vấn đề “thẻ vàng” IUU của Việt Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2023.
Lực lượng biên phòng đến từng tàu tuyên truyền quy định cho ngư dân. (Ảnh: VGP/Minh Trang)
Lực lượng biên phòng đến từng tàu tuyên truyền quy định cho ngư dân. (Ảnh: VGP/Minh Trang)

Mới đây, cung cấp thông tin đến báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Tại Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023, Thủ tướng đã chỉ đạo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trong năm 2023.

Để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 4 của EC, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương tập trung tối đa nguồn lực khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay; thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 81/QĐTTg, Công điện 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023, của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp với kết quả thực hiện, nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Được biết, để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, EC đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam gồm các nhóm giải pháp về: Hoàn thiện thể chế, Kiểm soát đội tàu khai thác; Truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Và tăng cường thực thi pháp luật.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, về hệ thống văn bản QPPL, Việt Nam đã có Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực năm 2019), 2 nghị định, 9 thông tư được hoàn thiện. Cùng với đó hàng loạt chỉ đạo, công điện, kết luận và mới đây là Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng.

“Về khung pháp lý, cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU. Trên cơ sở triển khai thực tế, các cơ quan chức năng đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư, Nghị định liên quan để phù hợp thực tiễn nghề cá tại Việt Nam và các quy định quốc tế” - Thứ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo Bộ NN&PTNT lo lắng hơn cả là 3 nhóm vấn đề còn lại. Trong đó, việc quản lý, giám sát đội tàu vẫn còn nhiều thách thức. Mặc dù đã có sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành và nhiều địa phương nhưng vẫn còn 43 vụ với hơn 260 người vi phạm.

Cùng với đó là việc truy xuất nguồn gốc khi tình trạng chấp hành việc ghi nhật ký chưa nghiêm, còn tình trạng đối phó. Đơn cử như trong Công văn mới đây của Bộ NN&PTNT gửi Chủ tịch UBND Quảng Nam cho thấy 88% nhật ký khai thác trong tổng số nhật ký thu nộp thông tin không trung thực về mẻ lưới; Thông tin nhật ký thu mua, chuyển tải không bảo đảm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thu mua từ tàu khai thác; Việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách bằng bản giấy và trên phần mềm điện tử thiếu khoa học dẫn đến truy xuất phục vụ cho công tác kiểm tra không kịp thời, chưa cung cấp được số liệu theo yêu cầu…

Ngoài ra, về xử lý vi phạm hành chính, chưa đều ở các địa phương. Có tỉnh đã quyết tâm cao xử lý 100% như Kiên Giang. Nhưng cũng địa phương vẫn còn chưa cương quyết.

“6 năm rồi chúng ta chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC. Đây là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề mà EC chỉ ra ở lần thanh tra thứ 3, chúng ta đã triển khai rất nghiêm túc và đã có những chuyển biến tích cực. Điều này để thấy rằng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể gỡ được “thẻ vàng” IUU trong thời gian sớm…” - Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kỳ vọng.

Cần xử lý nghiêm vi phạm

Làm việc với đại diện Bộ Tư pháp về nội dung tiếp thu, giải trình đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thủy sản hôm 2/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong 4 vấn đề mà EC khuyến nghị thì việc xử lý VPHC không chỉ góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU mà còn là động lực để phát triển cho ngành thủy sản. “Do đó, cần xử lý mạnh tay, xử phạt trên giá trị vi phạm” - ông nói.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, đơn vị đã tiếp thu, giải trình và có một số sửa đổi với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP sau khi nhận được ý kiến đóng góp của Bộ Tư pháp (việc xử lý các đối tượng vi phạm vừa là chủ tàu vừa là thuyền trưởng, phân định thẩm quyền xử lý vi phạm…).

Trao đổi thêm về xử phạt VPHC đối với hành vi “đưa tàu cá ra khỏi phạm vi vùng biển Việt Nam, trừ trường hợp bất khả kháng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt vấn đề nhờ Bộ Tư pháp tư vấn, thiết kế để làm thế nào vừa thực hiện nghiêm các quy định của EC về khai thác thủy sản, vừa bảo đảm được vấn đề an ninh, quốc phòng.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, các văn bản QPPL phải xây dựng thật chặt chẽ. “Không cần nâng mức phạt và nâng lực lượng mà phải xử lý thật nghiêm, đúng đối tượng, đúng hành vi. Đó sẽ là giải pháp cơ bản để gỡ “thẻ vàng” IUU”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm