Xây dựng sản phẩm du lịch cà phê chỉn chu
Diễn ra trong 5 ngày từ 10 – 14/3, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 ước tính thu hút từ 40.000 – 50.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến Đắk Lắk. Những hoạt động nổi bật được đông đảo người dân và du khách chú ý như: Lễ hội đường phố với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Nơi hội tụ 3 nền văn minh cà phê thế giới”; Hội chợ triển lãm chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột - vững bước hội nhập” thu hút 400 gian hàng với sự tham gia của 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước; Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản; Hội voi Buôn Đôn …
Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về một vùng đất đang vươn lên thành “thủ phủ cà phê toàn cầu”, cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc với việc canh tác, chế biến và xuất khẩu cà phê. Lễ hội này không chỉ là một sản phẩm du lịch đặc trưng, hút khách của tỉnh Đắk Lắk mà còn góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê tại Việt Nam.
Nằm trong khuôn khổ lễ hội, nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đã kết hợp xây dựng 42 chương trình tour trải nghiệm, khám phá phục vụ du khách, đồng thời quảng bá về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn. Theo chương trình được Ban Tổ chức Lễ hội công bố trước đó, các tour du lịch đều linh động về thời gian, đa dạng sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho du khách. Cụ thể, các tour du lịch thường kéo dài trong 1 ngày, 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm. Trong đó tuyến 4 ngày 3 đêm được xây dựng sát với thời gian diễn ra các hoạt động của lễ hội để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách vừa tham quan du lịch, vừa tham gia lễ hội.
Như vậy, du khách đến với Đắk Lắk trong dịp Lễ hội cà phê vừa qua có thể lựa chọn rất nhiều tour du lịch khác nhau. Họ có thể tham gia các hoạt động chính của lễ hội như: Lễ khai mạc, Lễ hội đường phố, Hội voi Buôn Đôn, Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, Lễ hội ánh sáng, thưởng thức vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”… Bên cạnh đó, du khách cũng có thể lựa chọn các tour trải nghiệm như rafting vượt thác, đạp xe qua đường làng Buôn Kuốp, leo núi men theo dòng sông Sê-rê-pôk, chèo thuyền khám phá dòng sông Sê-rê-pôk,… hoặc nghỉ dưỡng tại Khu du lịch sinh thái Văn hóa cộng đồng Ko Tam, Khu du lịch Lắk Resort, tham quan Bảo tàng Thế giới Cà phê, Khu nhà Bảo Đại nằm bên hồ Lắk,…
Về phía chính quyền địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất và để tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách về Đắk Lắk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, điểm du lịch, bảo tàng, cơ sở ăn uống, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh chuẩn bị điều kiện phục vụ tốt nhất, bảo đảm an ninh trật tự, tuyệt đối an toàn cho du khách. Trong thời điểm lễ hội, Sở đã bố trí các đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch, duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về hành vi “chặt chém”, ép giá và kiên quyết xử lý những doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân vi phạm.
Bài học từ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
Du lịch cà phê có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên thế giới. Đây là hình thức du lịch dựa vào sự khai thác các giá trị của cà phê như hương vị, sản phẩm và cả những giá trị lịch sử và văn hóa bản địa. Ước tính, có 400 tỷ ly cà phê được tiêu thụ hằng năm trên toàn cầu. Với niềm đam mê của đông đảo “tín đồ” cà phê, rất nhiều du khách sẵn sàng đến các cửa hiệu, cơ sở sản xuất hoặc vùng nguyên liệu cà phê để tìm hiểu văn hoá và thưởng thức đồ uống này. Thưởng thức cà phê tại không gian bản địa không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn giúp nâng cao danh tiếng và sự tiêu thụ cà phê địa phương.
Cà phê Việt Nam cũng đã được truyền thông quốc tế đánh giá cao trên bản đồ ẩm thực thế giới. Đơn cử, chuyên trang ẩm thực quốc tế TasteAtlas (trụ sở tại Croatia) lựa chọn cà phê sữa đá của Việt Nam ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng những thức uống từ cà phê ngon nhất toàn cầu. Trước đó, chuyên trang này cũng công bố 50 thức uống từ cà phê phổ biến nhất thế giới, trong đó cà phê đen, cà phê trứng, sữa chua cà phê và cà phê sữa đá của Việt Nam đều góp mặt trong danh sách này.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, du lịch cà phê được đánh giá là một sản phẩm du lịch hút khách từ nhiều năm nay. Với sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột có thể được xem là một hình mẫu tham khảo cho các tỉnh, thành khác về việc khai thác toàn diện các nguồn tài nguyên phong phú liên quan tới cà phê nhằm mục đích phát triển mạnh các sản phẩm du lịch cà phê tại địa phương.
Thông qua sự kiện, ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk có thể quảng bá, tạo sức lan tỏa hình ảnh “Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên” đến với du khách cũng như các nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh việc thúc đẩy các tour du lịch, địa phương này cũng đã chú trọng vào phát triển các loại quà lưu niệm và các loại đồ uống khác nhau để nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách.